Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Gánh nặng tâm lý từ lời khen 'con mẹ giỏi quá'

Trẻ em thường xuyên được khen ngợi hoặc so sánh sẽ nảy sinh tâm lý không hài lòng khi một ngày không được khen. Tệ hơn, trẻ không chấp nhận sự chỉ trích, dễ bất ổn tâm lý khi bị chê.

Báo Hải DươngBáo Hải Dương12/04/2025

ap-luc-tam-ly.png
(ảnh minh họa)

Bố mẹ không bắt thi trường chuyên nhưng Nam, 15 tuổi, tự ép bản thân "bằng mọi giá phải thi đỗ" vì muốn chứng minh xứng đáng với lời khen từ phụ huynh.

Câu chuyện được bác sĩ Nguyễn Khắc Dũng, giảng viên Khoa Tâm lý và Khoa học giáo dục, Trường Đại học Đại Nam, kiêm Phó Trưởng Khoa Lâm sàng, Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, chia sẻ hôm 11/4.

Nam được đưa đến khám vào tháng 3, với những biểu hiện trầm cảm nghiêm trọng như thu mình, dễ cáu gắt và xuất hiện tư duy tiêu cực. "Con muốn uống liều thuốc ngủ, không bao giờ tỉnh dậy nữa", bệnh nhân nói với bác sĩ.

Cậu kể rằng mục tiêu sống suốt 4 năm cấp hai là đỗ vào trường chuyên cấp 3, dù cha mẹ luôn nói em không cần phải đặt nặng việc thi cử. Khi thấy con ngày đêm miệt mài học, phụ huynh khuyên nên giảm bớt áp lực và nhấn mạnh: "Học trường bình thường cũng tốt, bố mẹ không ép thi chuyên". Tuy nhiên, Nam lắc đầu, quả quyết rằng mình phải "thi đỗ bằng mọi giá".

Trong cuộc trò chuyện, bác sĩ Dũng nhận ra Nam lớn lên cùng những lời khen ngợi không ngớt từ cha mẹ và ông bà, như "thiên tài" hay "học giỏi nhất họ". Những lời khen khiến nam sinh xây dựng trong mình hình ảnh của một người hoàn hảo, áp lực phải luôn giữ vững bằng điểm số, thành tích.

Tuy nhiên, khi đối mặt với những kiến thức ngày càng khó, kèm cường độ học tập cao mà không có thời gian nghỉ ngơi, Nam dần kiệt sức, cáu gắt. Điểm kém bắt đầu xuất hiện, nhưng thay vì điều chỉnh mục tiêu hoặc nghỉ ngơi, em lại tự trách mình, đồng thời càng dồn nhiều công sức hơn để đạt tới kỳ vọng "hoàn hảo".

Nam được bác sĩ Dũng kê đơn thuốc và trị liệu tâm lý, quá trình phục hồi mất nhiều thời gian và có khả năng bệnh tái phát nếu không điều trị triệt để.

Ngọc, 14 tuổi, cũng bị cuốn vào bẫy khen ngợi. Từ nhỏ, em luôn đạt thành tích cao, được cha mẹ khen ngợi là "giỏi giang", "thông minh", kèm những lời hứa hẹn và phần thưởng hấp dẫn. Phụ huynh thường xuyên chia sẻ thành tích của con lên mạng xã hội để "flex".

Điều này khiến Ngọc dần cảm thấy mình "phải hoàn hảo". Em sợ sai, sợ bị chê, không dám hỏi cô giáo khi không hiểu bài, và luôn dành gấp đôi thời gian để bảo đảm bài tập tốt nhất có thể. Một lần, khi bị điểm 7, em giấu nhẹm bài kiểm tra, không dám cho cha mẹ biết, rồi khóc trong phòng một mình.

Dần dần, Ngọc trở nên im lặng, lo âu, mất ngủ, kết quả học tập giảm sút. Khám tại Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, Ngọc được chẩn đoán trầm cảm nhẹ. "Con luôn cảm giác phải gồng mình để xứng đáng với những lời khen và sự kỳ vọng từ bố mẹ", em chia sẻ với bác sĩ trong nước mắt.

Theo ông Dũng, câu chuyện của Nam và Ngọc là ví dụ cho hiện tượng tâm lý xã hội ngày càng phổ biến: tích cực độc hại (toxic positivity). Đây là trạng thái khi một người ép bản thân hoặc người khác chỉ nhìn vào mặt tích cực, từ chối đối diện cảm xúc tiêu cực. Điều này tạo thành vòng tròn luẩn quẩn, phủ nhận cảm giác thật của bản thân, và bắt buộc người trong cuộc phải chạy theo tiêu chuẩn không thực tế, dẫn tới căng thẳng, thất vọng.

"Hệ quả mà tích cực độc hại để lại cực kỳ nghiêm trọng", bác sĩ nói. Trẻ em thường xuyên được khen ngợi hoặc so sánh sẽ nảy sinh tâm lý không hài lòng khi một ngày không được khen. Tệ hơn, trẻ không chấp nhận sự chỉ trích, dễ bất ổn tâm lý khi bị chê. Thay vì thử nghiệm những điều mới mẻ, trẻ dần chỉ dám làm những gì quen thuộc hoặc không thể thất bại, từ đó mất khả năng sáng tạo và trở nên nhạy cảm với ý kiến của người khác.

Ngoài ra, việc khen ngợi quá mức có thể tạo ra tổn thương xã hội. Các chuyên gia tâm lý nhận định rằng trẻ em nhận quá nhiều lời tán dương dễ nghĩ mình "vượt trội" hơn so với những người đồng trang lứa, dẫn đến thái độ tự phụ. Một nghiên cứu cho thấy những đứa trẻ này có xu hướng mong đợi sự ngưỡng mộ và đối xử đặc biệt từ người xung quanh. Khi không đạt được điều đó, chúng sẽ cảm thấy thất vọng, tức giận hoặc tủi thân. Lòng tự trọng của trẻ trở nên phụ thuộc hoàn toàn vào sự xác nhận từ bên ngoài, dễ dàng lung lay khi vấp phải thử thách hoặc lời từ chối.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cảnh báo hiện tượng "bản ngã giả tạo" ở trẻ em - một lớp mặt nạ mà trẻ khoác lên để đáp ứng kỳ vọng của cha mẹ hoặc xã hội. Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Hương Lan, lớp mặt nạ này che giấu những cảm xúc bất lực thật sự bên trong. Đây chính là nguyên nhân thúc đẩy sự tích tụ u uất, khiến trẻ dễ rơi vào trầm cảm hoặc lo âu, đặc biệt ở độ tuổi vị thành niên nhạy cảm.

Những gì trẻ thực sự cần không phải là những lời khen ngợi quá mức mà là sự tôn trọng và chấp nhận, các chuyên gia cho hay. Một lời khen đúng cách phải xuất phát từ sự suy xét kỹ lưỡng, đúng thời điểm và phù hợp với nỗ lực thật sự. Điều quan trọng hơn cả, cha mẹ cần dạy con cách đối diện thất bại, thay vì xây dựng tâm thế "không được phép sai lầm".

"Khi trẻ cảm thấy được chấp nhận và yêu thương vô điều kiện, chúng sẽ có nội lực mạnh mẽ để vượt qua khó khăn, trở thành những cá nhân tự tin và thực tế", bà Hương cho hay.

TB (theo VnExpress)

Nguồn: https://baohaiduong.vn/ganh-nang-tam-ly-tu-loi-khen-con-me-gioi-qua-409230.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Những người trẻ làm "sống dậy" hình ảnh lịch sử
Ngắm san hô biển bạc Việt Nam
Cận cảnh những giờ tập bền bỉ của các chiến sĩ trước đại lễ 30/4
TP Hồ Chí Minh: Những quán cà phê rực rỡ cờ hoa chào mừng đại lễ 30/4

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm