Ngày 23/11, Hội thảo khoa học “Cập nhật chẩn đoán và điều trị các bệnh lý gan – mật tụy” đã diễn ra tại Bệnh viện Bạch Mai, thu hút sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế.
Gánh nặng bệnh lý gan tại Việt Nam và khuyến cáo của chuyên gia y tế hàng đầu
Ngày 23/11, Hội thảo khoa học “Cập nhật chẩn đoán và điều trị các bệnh lý gan – mật tụy” đã diễn ra tại Bệnh viện Bạch Mai, thu hút sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế.
Các bệnh lý về gan đang đặt ra một gánh nặng y tế nghiêm trọng tại Việt Nam. Với tỷ lệ nhiễm viêm gan virus B và C thuộc hàng cao nhất thế giới, cùng với sự gia tăng các bệnh lý gan nhiễm mỡ không do rượu, xơ gan và ung thư gan, Việt Nam đang đối mặt với thách thức lớn trong việc kiểm soát và điều trị những bệnh lý này.
Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai phát biểu tại sự kiện. |
Theo thống kê từ Bộ Y tế, hiện có khoảng 8 triệu người Việt Nam nhiễm viêm gan B mạn tính và 1 triệu người nhiễm viêm gan C.
Cả hai bệnh này đều có nguy cơ tiến triển thành xơ gan hoặc ung thư gan nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Ngoài ra, lạm dụng rượu bia, chế độ ăn uống không lành mạnh và các yếu tố môi trường cũng đóng góp vào tỷ lệ gia tăng gan nhiễm mỡ và viêm gan do rượu.
Ung thư gan là loại ung thư phổ biến nhất tại Việt Nam, chiếm hơn 23.000 ca tử vong mỗi năm, theo số liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Tình trạng này phản ánh sự thiếu hụt trong sàng lọc, chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả, cũng như việc tiếp cận dịch vụ y tế còn hạn chế ở một số khu vực.
Hội thảo lần này do Bệnh viện Bạch Mai tổ chức là cơ hội để các chuyên gia y tế trong nước và quốc tế trao đổi kinh nghiệm, tiếp cận các tiến bộ y học và chia sẻ kiến thức về các phương pháp chẩn đoán, điều trị các bệnh lý gan mật tụy, qua đó nâng cao hiệu quả điều trị và chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Tại sự kiện, PGS-TS.Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đánh giá cao vai trò quan trọng của việc nâng cao nhận thức và cập nhật kiến thức cho đội ngũ y bác sĩ trong chẩn đoán và điều trị các bệnh gan mạn tính và bệnh lý mật tụy.
Theo PGS-TS Cơ, các bệnh ung thư gan, ung thư tụy, tổn thương gan do thuốc, hay biến chứng xuất huyết tiêu hóa do xơ gan vẫn đang ở mức cao và gây ra gánh nặng y tế lớn.
“Việc phối hợp đa chuyên khoa giữa lâm sàng và cận lâm sàng, nội khoa và ngoại khoa đã giúp Bệnh viện Bạch Mai đạt nhiều thành công trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý phức tạp,” PGS. Cơ nhấn mạnh.
Nói thêm về sàng lọc các bệnh lý về gan, theo PGS-TS.Nguyễn Công Long, Giám đốc Trung tâm Tiêu hóa – Gan mật, việc sàng lọc và chẩn đoán sớm các bệnh ung thư gan, ung thư tụy đóng vai trò quan trọng để xây dựng phác đồ điều trị tối ưu.
Ông đặc biệt nhấn mạnh rằng nhóm nguy cơ cao, như người bị viêm gan B mạn tính, xơ gan, gan nhiễm mỡ do rượu hoặc rối loạn chuyển hóa, cần kiểm tra định kỳ từ 3-6 tháng/lần.
“Việc theo dõi định kỳ qua các xét nghiệm, hình ảnh cận lâm sàng và dấu hiệu lâm sàng giúp các thầy thuốc phát hiện bất thường để đưa ra phương án điều trị sớm,” PGS.Long chia sẻ.
Tại hội thảo, nhiều nội dung khoa học mới đã được các chuyên gia đầu ngành Việt Nam và Nhật Bản trình bày. Ths.Phạm Thị Ngọc Thúy, Trung tâm Tiêu hóa – Gan mật, Bệnh viện Bạch Mai cũng nhấn mạnh về tình trạng tổn thương gan do thuốc.
Đây là các tổn thương gan gây ra bởi nhiều loại thuốc, thảo dược và hóa chất, dẫn đến bất thường xét nghiệm và rối loạn chức năng gan sau khi loại trừ các nguyên nhân khác. Bà cho biết, tổn thương gan do thuốc ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt tại khu vực châu Á.
Tổn thương gan do thuốc là nguyên nhân hàng đầu của suy gan cấp và ghép gan tại châu Âu, với tỷ lệ tử vong khoảng 50%.
Tình trạng này được chia thành hai nhóm: Tổn thương gan do thuốc nội tại và tổn thương gan do thuốc đặc ứng. Việc chẩn đoán chủ yếu dựa trên loại trừ nguyên nhân khác, và công cụ RUCAM hiện đang được sử dụng để định hướng chẩn đoán tổn thương gan do thuốc hiệu quả,”Ths.Thúy giải thích.
Bà cũng nêu bật các phương pháp điều trị đặc hiệu cho tổn thương gan do thuốc, như Cholestyramin, Carnitine, NAC, trong một số trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, corticoid không được chỉ định thường quy, chỉ áp dụng cho các trường hợp tổn thương gan do thuốc-AIH hoặc tổn thương dị ứng.
Để giảm tải cho hệ thống y tế và cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh, theo các chuyên gia y tế, việc phòng ngừa các bệnh gan là yếu tố then chốt. Một số biện pháp được các chuyên gia y tế đề xuất như tăng cường tiêm chủng viêm gan B ngay từ khi trẻ mới sinh.
Kiểm soát sử dụng rượu bia và nâng cao ý thức về dinh dưỡng lành mạnh. Thực hiện sàng lọc thường xuyên đối với nhóm có nguy cơ cao. Triển khai rộng rãi các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức về bệnh lý gan mật tụy.
Gánh nặng bệnh gan tại Việt Nam vẫn đang là một thách thức, nhưng với những tiến bộ trong chẩn đoán, điều trị và các chiến lược phòng ngừa, tương lai trong việc kiểm soát các bệnh lý này hoàn toàn có thể cải thiện.
Nguồn: https://baodautu.vn/ganh-nang-benh-ly-gan-tai-viet-nam-va-khuyen-cao-cua-chuyen-gia-y-te-hang-dau-d230781.html