Ăn vặt vỉa hè là thói quen của nhiều người Sài Gòn bởi sự thoải mái, hợp với túi tiền. Những hàng quán không biển hiệu, không quảng cáo rầm rộ vẫn được nhiều thực khách ưa chuộng bởi hương vị đặc trưng nhiều năm, sự nhiệt tình, cởi mở của chủ quán.
Đôi quang gánh hơn 30 năm
Tôi ghé thăm gánh bánh “bánh mì gánh bà Lan” ở đường Nguyễn Tất Thành (Q.4) vào một buổi chiều muộn. Bà Trương Thị Liên (52 tuổi, mọi người thường gọi là bà Lan) tất bật nướng thịt, làm hàng cho mấy vị khách đứng chờ sẵn. Trên chiếc quang gánh một bên để bánh mì được gói ghém cẩn thận, một bên để thịt, nước tương, nem bì… Chiếc bếp than nhỏ xíu luôn rực lửa, bà Lan vừa làm bánh vừa để ý nướng thịt. Mùi thơm thịt nướng tỏa lên, nhiều người đứng chờ mua ổ bánh mì khi ghé qua.
Bà Lan gánh hàng đi bán từ sáng sớm. Chỗ bán cố định buổi sáng của bà ở đường Nguyễn Trãi, còn buổi chiều gánh đi bán nhiều chỗ khác nhau trong Q.4. Gánh hàng bà có bánh mì bò nướng lá lốt, xíu mại, cá hộp, nem bì,… Bà gánh đi bán đã hơn 30 năm, nổi tiếng hơn cả là món bánh mì bò nướng lá lốt.
“Gánh này hơn 50kg, nặng lắm. Hồi xưa làm bằng gánh mây giờ chồng làm cho cái bằng sắt. Tôi bán từ hồi mười mấy tuổi, chưa có gia đình nhoáng cái cũng mấy chục năm”, bà nói.
Bánh mì bà Lan có sự hòa quyện của các nguyên liệu, thịt thơm mềm, béo ngậy ăn kèm với đồ chua, rau dưa rất hợp. Mỗi ổ có giá từ 20.000 – 30.000 đồng tùy theo yêu cầu của khách. Khách đến mua bởi hương vị thân quen và sự hào sảng, thoải mái của bà chủ. Có người không ăn đầy đủ nguyên liệu bà Lan hỏi kỹ để hợp khẩu vị của họ, ai xin thêm gia vị, rau ăn kèm, bà thoải mái cho vào ổ bánh mì đầy ú ụ.
Gánh hàng nặng, bà cũng thử chuyển qua bán trên xe đẩy cho đỡ vất nhưng bán không được nhiều. Cũng bởi lẽ đó mà suốt nhiều năm qua bà vẫn gắn bó với đôi quang gánh dù sức khỏe đôi lúc đã chống cự lại.
“Gánh quen rồi, khách đi xa nhận ra là ghé vào mua còn bán xe họ tưởng người khác bán nên bán không được. Trước tôi cũng được hỗ trợ cái xe đi bán nhưng thấy ế hơn nên tôi nhường lại cho người khó khăn hơn, làm hoài với chiếc gánh này”, bà bộc bạch.
Gánh cả nhà
Bà Lan cho biết, lúc trước khi dịch Covid-19 xuất hiện mỗi ngày bà bán được khoảng 200 ổ nhưng hiện giờ không được nhiều như trước vì “bão giá”, ít người mua hơn. Vợ chồng bà có 3 người con. Con trai đầu bà hơn 30 tuổi nhưng bị câm, con gái thứ hai đã lấy chồng còn con út đang học lớp 10. Chồng bà chạy xe ôm truyền thống nhưng hiện tại thu nhập bấp bênh nên cả nhà trông chờ vào gánh bánh mì mỗi ngày.
“Nhà tôi trông chờ vào gánh này, không đi bán là không có tiền. Bán ngày nào xào ngày đó, một cái gánh nuôi mấy người nên đâu có dư. Coi vậy chứ tôi gánh cả cuộc đời luôn, không biết lúc nào nghỉ. Cực là vậy nhưng đi bán cũng vui, nói chuyện thoải mái với khách”, bà cho hay.
Mỗi ngày bà dậy từ 3 giờ sáng chuẩn bị hàng. Gia đình bà thuê nhà, mỗi tháng tiền trọ và tiền điện nước hết khoảng 5 – 6 triệu đồng. Chiều muộn, sau khi hết hàng bà gánh về, tiếp tục chuẩn bị hành phi, mỡ hành…
“Tất cả đều tự tay tôi làm, đợt này gia vị tăng giá nhưng mà khách xin thêm gì tôi cũng cho, không có tiếc, lời chủ yếu nhờ vào số lượng. Bánh mì ngon, khách ăn một lần rồi biết đến, có người ăn từ hồi cấp 3 đến giờ con họ mười mấy tuổi rồi vẫn ghé mua ủng hộ”, bà tâm sự.
Chị Vũ Minh Hà (34 tuổi, ở Q.4) chở con đi học về, ghé gánh bà Lan mua ổ bánh mì bò nướng lá lốt. Chị mua thêm ít cuộn bò nóng hổi, thơm phức trên bếp than. “Mỗi lần tiện đường ghé qua tôi đều mua ổ bánh mì ở đây vì ăn quen, thịt ngon, mềm. Cái gánh nhỏ xíu vậy mà đầy đủ món bánh mì, rau dưa ăn thoải mái”, chị nói.
Anh Nguyễn Ngọc Lâm (27 tuổi, ở Q.3) cho hay: “Tôi đi làm ở gần gánh bánh mì cô Lan nên thường xuyên mua ăn xế chiều. Bánh mì ở đây ngon, nước sốt đậm đà mà ăn không bị ngán”.