Huyện Yên Bình (Yên Bái) vừa triển khai gắn nhãn truy xuất nguồn gốc cho gần 200 cây bưởi đặc sản Đại Minh trên 30 năm tuổi bằng ứng dụng Vmark.
Hoạt động này sẽ giúp các hợp tác xã, doanh nghiệp có thể minh bạch hóa nguồn gốc sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh và phát triển thương hiệu cho nhãn hàng. Đồng thời quảng bá thương hiệu, giúp du khách, người tiêu dùng dễ dàng tìm hiểu các thông tin về sản phẩm như độ tuổi, tọa độ địa lý, nguồn gốc, câu chuyện liên quan…
Hiện nay, huyện Yên Bình có trên 1.000ha bưởi, tập trung chủ yếu ở xã Đại Minh và Hán Đà. Chính quyền địa phương đã vận động người dân nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm thông qua việc thực hành sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP; tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật để duy trì, nâng cao chất lượng bưởi Đại Minh. Qua đó, hiện bưởi Đại Minh đã đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 4 sao.
Bưởi Đại Minh là giống bưởi quý được phát hiện cách nay trên 300 năm, hiện vẫn còn nhiều cây bưởi cổ trên 100 tuổi, được mệnh danh là “bưởi tiến vua” gắn với gia tộc họ Nguyễn trên vùng đất ven sông Chảy, nơi một tiếng gà gáy 3 tỉnh Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ đều nghe thấy.
Hàng năm, huyện Yên Bình thường tổ chức lễ hội bưởi Đại Minh với nhiều hoạt động như thi cây bưởi đẹp; vườn bưởi đẹp; thi bóc bưởi, trình bày bưởi…
Bưởi Đại Minh ở huyện Yên Bình có năng suất hơn 9 tấn/ha, tổng sản lượng đạt gần 8.500 tấn, doanh thu đạt hơn 80 tỷ đồng/năm. Huyện Yên Bình đang tiếp tục triển khai liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm bưởi Đại Minh, quảng bá trên sàn thương mại điện tử, mở rộng thị trường tiêu thụ góp phần tăng thu nhập cho người dân và tạo chỗ đứng ổn định cho sản phẩm trên thị trường.