Khảo sát của nhóm Better Money Habits từ Bank of America cho thấy 46% gen Z ở Mỹ đang nhận được hỗ trợ tài chính từ cha mẹ hoặc các thành viên khác trong gia đình. Con số này giảm xuống còn 30% đối với những gen Z không phải là sinh viên.
54% gen Z nhận một hình thức hỗ trợ tài chính nào đó
Holly O’Neill, chủ tịch ngân hàng bán lẻ tại Bank of America, nói: “Thế hệ Z sắp trưởng thành và trở nên độc lập. Vì vậy, nếu như tôi muốn nhìn thấy sự tiến bộ của gen Z, đó sẽ là việc thấy họ độc lập hơn với gia đình và bạn bè”.
“Có lẽ tôi có phần thiên vị, vì quanh tôi có ba bạn trẻ thuộc thế hệ Z và tôi đang cố giúp họ trở nên độc lập hơn. Bọn trẻ đang lập ra ngân sách và sống theo mức ngân sách đó. Vì vậy, đây là khía cạnh mà tôi muốn thấy sự tiến bộ”, O’Neill chia sẻ.
Bên cạnh 46% gen Z nhận được sự hỗ trợ tài chính từ bố mẹ, hơn 3% cho biết họ đang được bạn bè giúp đỡ, trong khi 9% nhận trợ cấp từ chính phủ. Điều này cho thấy 54% gen Z đang nhận một hình thức hỗ trợ tài chính nào đó.
Trong số này, 32% nhận 1.000 USD mỗi tháng hoặc hơn, và 44% nhận dưới 500 USD mỗi tháng. Gen Z không phải là sinh viên nhận được ít hỗ trợ tài chính hơn. Chỉ có 22% nhận được hơn 1.000 USD mỗi tháng và 55% nhận được ít hơn 500 USD mỗi tháng.
Gen Z nhận hỗ trợ tài chính cho biết họ sử dụng số tiền này để thanh toán những thứ như hàng tạp hóa và đồ vệ sinh cá nhân (57%), tiền thuê nhà và tiện ích (53%), gói điện thoại (53%) và các khoản bảo hiểm y tế (49%).
Phụ thuộc vì không đủ tiền trang trải
Khảo sát nhận ra rằng hơn một nửa gen Z, 52%, không kiếm đủ tiền để trang trải cuộc sống mà họ muốn vì chi phí sinh hoạt cao.
Để đối phó với chi phí ngày càng tăng, 43% gen Z đã cắt giảm việc đi ăn bên ngoài, 27% từ chối tham gia các sự kiện với bạn bè, 24% chuyển sang các cửa hàng tạp hóa có giá cả phải chăng hơn và 21% bắt đầu sử dụng ngân sách.
Có 54% gen Z nói họ không trả tiền nhà. Trong số 46% những người trả, 64% cho hay hơn 30% thu nhập hằng tháng của họ dành cho chi phí nhà ở, trong khi 23% cho biết họ dành 51% thu nhập hoặc nhiều hơn cho chi phí nhà ở.
Phần lớn, 57% số người được hỏi thuộc gen Z cho biết họ không có đủ quỹ dự phòng khẩn cấp để trang trải 3 tháng – đúng như phát hiện của Bank of America, với tỉ lệ 56% trong năm 2023 và 55% năm 2022.
“Họ cũng đang trì hoãn một số điều mà chúng tôi nghĩ là những dấu hiệu truyền thống của sự tiến bộ tài chính”, O’Neill chia sẻ.
“Vì vậy, 50% nói rằng họ không đi đúng hướng để mua được nhà trong 5 năm tới, 46% sẽ không thể tiết kiệm cho việc nghỉ hưu và 40% chia sẻ họ không đi đúng hướng để bắt đầu đầu tư”.
“Một số điều có thể đoán được. Những người trẻ thuộc thế hệ Z này đang ở độ tuổi từ 18 đến 27, nên hãy nghĩ về độ tuổi đó – nếu bạn 18 tuổi, rõ ràng trong 5 năm nữa, việc mua nhà cần nỗ lực – O’Neill nói – Nhưng họ đang quản lý tích cực cuộc sống tài chính, trì hoãn một số điều này cho đến khi sẵn sàng”.
Về những hành động mà người trẻ gen Z muốn cải thiện tình hình tài chính nên làm, O’Neill đề xuất ba bước chính.
“Khi nói về việc đặt bản thân vào con đường đạt được sức khỏe tài chính, ba cột mốc quan trọng gồm quản lý chi tiêu hằng ngày; lập và bám sát ngân sách; sau đó xây dựng và quản lý tín dụng của bản thân”, O’Neill nói.
Nguồn: https://tuoitre.vn/gan-mot-nua-gen-z-phu-thuoc-tai-chinh-vao-bo-me-gia-dinh-20240713161419856.htm