Trong chuyến thăm Brazil mới đây, Tổng thống Argentina Alberto Fernández đã nhấn mạnh sự hỗ trợ của Brazil có tầm quan trọng đặc biệt đối với Argentina và là một bước quan trọng để củng cố Khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR). Những cam kết hỗ trợ từ Brazil dành cho Argentina giúp củng cố mối quan hệ song phương, đồng thời đẩy mạnh hợp tác nhằm thúc đẩy hội nhập khu vực.
Tổng thống Argentina Alberto Fernandez bắt tay Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva sau cuộc gặp tại Cung điện Alvorada ở Brasilia, Brazil, ngày 2/5/2023. Ảnh: REUTERS
Phát biểu sau cuộc hội đàm với Tổng thống Fernández đang ở thăm Brazil hôm 2/5, Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva nhấn mạnh ông sẽ làm mọi thứ để giúp đỡ Argentina trong thời điểm khó khăn này. Ông đưa ra lời cam kết với người đồng cấp Argentina Alberto Fernández rằng, Brasilia sẽ hỗ trợ Buenos Aires tối đa trong các cuộc đàm phán tái cơ cấu nợ với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Nhà lãnh đạo quốc gia lớn nhất Mỹ Latin cũng tuyên bố ông sẽ thảo luận với các đối tác trong Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS – gồm Brazil, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Nam Phi) để đưa ra các biện pháp hỗ trợ Argentina, đồng thời lên kế hoạch bàn thảo với IMF về vấn đề này.
Trong cuộc họp kéo dài 4 giờ đồng hồ tại dinh Tổng thống Brazil, hai nhà lãnh đạo đã tập trung thảo luận các biện pháp thúc đẩy thương mại song phương, vốn chịu tác động mạnh trong thời gian gần đây do các vấn đề kinh tế vĩ mô mà Argentina đang phải đối mặt, bao gồm thiếu hụt ngoại tệ, lạm phát cao và hạn hán kéo dài.
Trong số các sáng kiến được đưa ra thảo luận, hai nhà lãnh đạo quan tâm đến biện pháp sử dụng đồng nội tệ trong giao dịch thương mại song phương, qua đó giúp Brazil giảm thiểu rủi ro tài chính do biến động tỷ giá hối đoái của đồng USD, đồng thời giúp Argentina tăng cường nguồn dự trữ ngoại tệ.
Hai quốc gia Nam Mỹ đang hướng tới hội nhập kinh tế sâu rộng hơn, trong đó có cả việc phát triển một đồng tiền chung. |
Hai quốc gia Nam Mỹ đang hướng tới hội nhập kinh tế sâu rộng hơn, trong đó có cả việc phát triển một đồng tiền chung. Trong các cuộc gặp diễn ra hồi đầu năm nay, hai nhà lãnh đạo Brazil và Argentina đã đưa ra mục tiêu nhằm vượt qua các rào cản trong giao dịch, đơn giản hóa và hiện đại hóa các quy tắc cũng như khuyến khích sử dụng các loại tiền tệ địa phương.
Đặc biệt, hai lãnh đạo cũng đã nhất trí thúc đẩy các cuộc thảo luận về một loại tiền tệ chung của Nam Mỹ có thể được sử dụng cho cả lĩnh vực tài chính và thương mại, qua đó giúp giảm chi phí hoạt động và hạn chế các trở ngại bên ngoài khác. Kế hoạch xây dựng đồng tiền chung giữa hai nước mà Brazil đề xuất gọi là đồng “sur”-mang ý nghĩa là phía nam.
Lãnh đạo hai nước hy vọng sự ra đời của đồng tiền này có thể thúc đẩy thương mại khu vực và giảm sự phụ thuộc vào đồng USD. Được khởi điểm là một dự án song phương, song sáng kiến này được kỳ vọng sẽ mở rộng tới các quốc gia Mỹ Latin khác.
Brazil và Argentina hiện đang nỗ lực xây dựng mối quan hệ hòa bình và cùng nhau phát triển, đồng thời khẳng định cả hai nước đã đạt được một số thỏa thuận về quốc phòng, y tế, khoa học, công nghệ và đổi mới, cũng như hội nhập tài chính.
Các doanh nghiệp Brazil quan tâm đến dự án đường ống dẫn khí đốt trị giá 3 tỷ USD được đặt theo tên cố Tổng thống Néstor Kirchner – công trình vận chuyển khí đốt tự nhiên quan trọng nhất của quốc gia láng giềng Argentina trong vòng 40 năm qua. Ngân hàng Phát triển Quốc gia Brazil (BNDES) đã quyết định đầu tư 689 triệu USD cho giai đoạn hai của dự án Néstor Kirchner. Đây là công trình dẫn khí đốt từ vùng mỏ Vaca Muerta thuộc tỉnh Neuquén miền nam Argentina – một trong những khu vực có trữ lượng dầu khí phi truyền thống lớn nhất thế giới.
Tăng cường hợp tác song phương sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Brazil và Argentina thúc đẩy các nỗ lực hội nhập khu vực khi cả hai nước đang muốn quay lại Liên minh Các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR), tổ chức khu vực liên chính phủ ra đời vào năm 2008.
Hai nước cũng cam kết củng cố MERCOSUR, trong bối cảnh khối này đang cần phải thúc đẩy hơn nữa thương mại trong và ngoài khối, trong đó các sản phẩm của MERCOSUR đóng vai trò quan trọng trên thị trường thế giới, nhất là khi cuộc xung đột tại Ukraine tác động đáng kể đến chuỗi sản xuất toàn cầu.
MERCOSUR được thành lập năm 1991, hiện có 5 thành viên chính thức gồm Brazil, Argentina, Uruguay, Venezuela và Paraguay. |
MERCOSUR được thành lập năm 1991, hiện có 5 thành viên chính thức gồm Brazil, Argentina, Uruguay, Venezuela và Paraguay. Đây là một trong những trung tâm sản xuất hàng đầu về lương thực, nguyên liệu và năng lượng, đồng thời là thị trường tiềm năng với hơn 280 triệu người tiêu dùng.
Thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các chương trình hợp tác và hội nhập tại Mỹ Latin thông qua các cơ chế như Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latin và Caribe (CELAC), hồi sinh tổ chức UNASUR và tạo ra sự đồng thuận trong các chính sách chung của khối MERCOSUR là mục tiêu mà cả Brazil và Argentina đang hướng tới. Trong bối cảnh tình hình thế giới nhiều biến động hiện nay, tăng cường hợp tác và thúc đẩy hội nhập khu vực sẽ góp phần phát huy nội lực, vì sự phát triển bền vững.
Theo Nhân Dân