AN NHIÊN (Theo Woman’s World)
Sống gần gũi với thiên nhiên là xu hướng đang được nhiều người nhắm tới với mong muốn nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Theo các nhà nghiên cứu, chỉ cần dành 10 phút hòa mình với thiên nhiên cũng có thể giúp thay đổi tích cực một loạt chỉ số về sinh lý và tâm lý.
Tổ chức dã ngoại vừa giúp gia đình gắn kết vừa tăng mức độ gần gũi với thiên nhiên.
Trong một đánh giá dựa trên nhiều nghiên cứu khác nhau, các chuyên gia tại Ðại học Coenell (Mỹ) nhận thấy việc đắm mình trong môi trường tự nhiên từ 10-30 phút đã giúp những người tham gia điều hòa nhịp tim, giảm huyết áp và nồng độ hoóc-môn cortisol gây căng thẳng tinh thần (stress), giảm đáng kể hoạt động của hệ thần kinh giao cảm (kiểm soát phản ứng “đương đầu hay lảng tránh” trước tình huống gây stress), đồng thời tăng đáng kể hoạt động của hệ thần kinh đối giao cảm (kiểm soát hoạt động nghỉ ngơi và tiêu hóa). Những người tham gia cũng nhận thấy bản thân trở nên dễ chịu và bình tĩnh hơn, cơ thể khỏe lại và phục hồi.
Còn trong một đánh giá được công bố trên Tạp chí Happiness Studies, các chuyên gia đã phân tích 50 nghiên cứu với sự tham gia của 16.396 người. Họ phát hiện ở người trưởng thành, sự kết nối với thiên nhiên có liên quan đến mức độ cao hơn về phát triển cá nhân và hạnh phúc đích thực – loại hạnh phúc gắn với cảm giác thỏa mãn khi theo đuổi và đạt được điều gì đó có ý nghĩa hoặc cảm nhận được mục đích sống.
Ðặc biệt, không cần đi đâu xa mà chỉ cần tiếp xúc với những mảng xanh gần nhà cũng đủ giúp bạn cải thiện các chỉ số sức khỏe tự nhiên. Ðiển hình, trong một thử nghiệm của Ðại học Michigan, các chuyên gia đã yêu cầu 36 cư dân đô thị đến một địa điểm ngoài trời bất kỳ để có “cảm giác tiếp xúc với thiên nhiên” tối thiểu 3 lần/tuần, mỗi lần ít nhất 10 phút. Khi đánh giá các chỉ dấu sinh học về stress như cortisol, kết quả cho thấy mức độ stress của những người tham gia đều giảm đáng kể, trong đó, mức giảm lớn nhất được ghi nhận sau khi họ tiếp xúc với thiên nhiên từ 20-30 phút. Ngoài ra, họ cũng cảm nhận tác dụng trấn tĩnh tinh thần, nhưng với tốc độ chậm hơn.
Thậm chí, nghiên cứu cho thấy chỉ cần nhìn vào những bức ảnh thiên nhiên cũng có thể mang lại lợi ích sức khỏe. Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Quốc tế về Nghiên cứu Môi trường và Sức khỏe Cộng đồng, chỉ cần dành 5 phút để xem các bức ảnh thiên nhiên đã giúp hỗ trợ khả năng phục hồi của cơ thể sau stress.
Nói về sức mạnh của âm thanh tự nhiên, một đánh giá dựa trên 18 nghiên cứu do Ðại học Carleton (Canada) tiến hành cho thấy âm thanh của nước có hiệu quả nhất trong việc cải thiện tâm trạng và nghe tiếng chim hót là cách tốt nhất để đẩy lùi stress. Trong khi đó, các nhà nghiên cứu tại Ðại học Chicago (Mỹ) phát hiện so với những người nghe nhiều âm thanh đô thị (như tiếng xe cộ ồn ào), những người nghe nhiều âm thanh tự nhiên (như tiếng dế kêu hoặc tiếng gió reo) đã thực hiện tốt hơn các bài kiểm tra chức năng nhận thức khó.
Trong một nghiên cứu của học Tampere (Phần Lan), các chuyên gia đã yêu cầu những người tham gia nhúng tay vào đất hằng ngày trong 2 tuần và nhận thấy hệ khuẩn đường ruột của họ đã gia tăng sự đa dạng – chỉ dấu cho thấy một hệ vi khuẩn ruột khỏe mạnh hơn. Theo nghiên cứu trên Tạp chí Môi trường và Sức khỏe Cộng đồng, việc đi chân trần trên đất cũng có thể giúp kiểm soát cơn đau, giảm stress và cải thiện giấc ngủ. Ðiều đó cho thấy tiếp xúc với đất cũng mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, kể cả việc trồng hoa, làm vườn.
Một vài gợi ý để tăng cường tiếp xúc với thiên nhiên: Tìm một địa điểm có nhiều cây xanh để đi dạo, đạp xe hoặc cắm trại vào những ngày nghỉ. Kết nối với những người yêu thiên nhiên khác, chẳng hạn tham gia các hội/nhóm ngắm chim, cũng là cách hữu hiệu để tăng cơ hội hòa mình trong thiên nhiên. Ðăng ký học một môn thể thao hoặc kỹ năng mới ngoài trời như đi bộ đường dài, đạp xe, leo núi…