16:04, 08/05/2023
BHG – Khi Nghị quyết số 27 của BCH Đảng bộ tỉnh về xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh (Nghị quyết 27) lan tỏa mạnh mẽ với tinh thần “gạn đục, khơi trong”, là điểm tựa để nhân dân Vị Xuyên xây dựng cuộc sống mới.
Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Tuyên truyền xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh bằng hình thức sân khấu hóa tại huyện Vị Xuyên. |
Chỉ thị số 09 của BTV Tỉnh ủy và Nghị quyết 27 được đưa ra đánh giá, bàn giải pháp thường xuyên, quyết liệt trên địa bàn huyện trong 2 năm qua. Từ các cuộc họp của BTV, BCH Đảng bộ huyện đến các kỳ sinh hoạt Chi bộ; từ các hội nghị, hội thảo, mạn đàm đến hội thi; từ cơ quan, doanh nghiệp đến thôn, bản, trường học… Bí thư Đảng ủy xã Phú Linh Nguyễn Quốc Cường chia sẻ: “Nội dung xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt được Đảng ủy chỉ đạo quyết liệt, bước đầu mang lại hiệu quả, một số tập quán lạc hậu trong việc cưới, việc tang được cắt giảm, xóa bỏ, văn hóa truyền thống được gìn giữ và đời sống tinh thần người dân được nâng lên”.
Ngay sau khi chỉ thị, nghị quyết được ban hành, Huyện ủy tổ chức 2 hội nghị trực tuyến toàn huyện quán triệt, triển khai đến các Chi, Đảng bộ trực thuộc với hàng nghìn cán bộ, đảng viên tham dự. Nhiều chỉ thị, nghị quyết, chương trình hành động được ban hành; Ban Chỉ đạo các cấp được thành lập, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Các cấp, ngành tổ chức 5 hội nghị rà soát, nhận diện hủ tục, bàn giải pháp xóa bỏ; tổ chức 86 hội nghị mạn đàm với trên 4.670 người có uy tín, nghệ nhân dân gian, thầy mo, thầy cúng tham gia; nội dung Nghị quyết 27 được các thôn, tổ dân phố đưa vào quy ước, hương ước.
Đặc biệt, công tác tuyên truyền được thực hiện đa dạng, phong phú, phù hợp với thực tiễn; thành lập 261 tổ tuyên truyền, tổ chức 2 hội thi cấp huyện, 450 hội nghị, 913 cuộc họp thôn, xây dựng 132 chương trình truyền thanh. Các đoàn thể lồng ghép vào các cuộc vận động, phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp. Cả hệ thống chính trị và người dân cùng vào cuộc đẩy lùi hủ tục.
Nhân rộng mô hình hay
Thôn Suối Đồng, thị trấn Nông trường Việt Lâm có 60 hộ, trên 95% là đồng bào dân tộc Mông. Với nhiều tập quán lạc hậu trong đời sống, ảnh hưởng đến việc phát triển KT – XH. Ví như đám tang kéo dài từ 3 – 7 ngày, giết mổ nhiều gia súc, người chết không cho vào áo quan, lễ cúng rườm rà, tốn kém. Tình trạng tảo hôn, mê tín dị đoan, cúng bái vẫn diễn ra. Thực hiện Nghị quyết 27, thôn Suối Đồng xây dựng mô hình dòng họ Giàng phát huy vai trò người có uy tín vận động nhân dân xóa bỏ hủ tục. Ông Giàng Mí Páo, người có uy tín thôn Suối Đồng chia sẻ: “Nhận thức rõ việc chỉ có xóa bỏ hủ tục mới có thể thay đổi cuộc sống. Đến nay, thôn không còn tình trạng tảo hôn, sinh con thứ 3, người chết đã cho vào áo quan, không làm ma quá 24 tiếng, không giết mổ nhiều gia súc; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng đi lên”.
Cụ thể hóa Nghị quyết 27 vào điều kiện thực tiễn, huyện Vị Xuyên xây dựng và nhân rộng được 62 mô hình hay. Tiêu biểu như: Dòng họ Lù, họ Giàng xã Lao Chải vận động nhân dân đưa người chết vào áo quan; không tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, trong năm 2022 đã vận động hoãn hôn thành công 3 cặp tảo hôn; tang lễ văn minh, tiến bộ tại thôn Riềng, xã Ngọc Minh vận động nhân dân thay đổi hình thức phúng viếng, đi lễ, trả lễ bằng gia súc, gia cầm, hiện vật sang tiền mặt, cắt giảm nhiều nghi lễ rườm rà; Hội Nghệ nhân dân gian truyền dạy văn hóa tại các trường học; thành lập CLB văn hóa dân gian tại xã Phương Tiến.
Từ các giải pháp đồng bộ, việc xóa bỏ tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh đạt nhiều kết quả tích cực: Các hủ tục trong việc cưới như: Thách cưới cao, ăn uống dài ngày, ép hôn được loại bỏ. Năm 2022 đã vận động hoãn hôn thành công 20 trường hợp; tình trạng tảo hôn giảm mạnh từ 43 cặp năm 2021 xuống còn 9 cặp năm 2022; không còn hôn nhân cận huyết thống. Đám tang tổ chức không quá 48 tiếng, một số nghi lễ được giảm bớt; 100% thôn, tổ dân phố thành lập ban lễ tang. Các lễ hội được tổ chức lành mạnh, vui vẻ, tiết kiệm; văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát triển. Nhân dân đưa chuồng trại ra xa nhà ở, chủ động thâm canh tăng vụ, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, bảo vệ môi trường. 100% cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và nhân dân ký cam kết thực hiện Nghị quyết 27.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc xóa bỏ hủ tục còn nhiều khó khăn: Tình trạng tảo hôn, sinh còn thứ 3 trở lên vẫn xảy ra, một số đám tang chưa đưa người chết vào áo quan, công tác tuyên truyền, vận động có nơi chưa hiệu quả; đổ rác thải, chất thải bừa bãi ra môi trường; nhận thức của một số người dân về hệ lụy của hủ tục đối với đời sống còn hạn chế.
Cuộc “cách mạng” xóa bỏ hủ tục là cuộc cách mạng văn hóa đặc biệt, lâu dài, bắt đầu từ việc thay đổi tư duy, thói quen đến hành động. Bởi vậy, cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và toàn dân, hướng đến xây dựng cuộc sống mới no ấm, văn minh.
Bài, ảnh: BIỆN LUÂN