Thực trạng cấp thiết này đang đặt ra vấn đề phải cải thiện chế độ đãi ngộ và tăng cường bảo vệ quyền lợi để giữ chân và phát triển nguồn nhân lực trẻ trong ngành giáo dục tại quốc gia Đông Bắc Á, tờ Korea Times đánh giá.

Chỉ có 0,7% hài lòng với lương

Năm 2024, Liên đoàn Giáo viên Hàn Quốc đã thực hiện một cuộc khảo sát đối với 4.603 giáo viên từ mẫu giáo đến trung học phổ thông toàn quốc.

Kết quả cho thấy 86% giáo viên trong độ tuổi 20-30 từng nghĩ đến việc từ bỏ nghề; chỉ 0,7% hài lòng với mức lương hiện tại; 93% không hài lòng và trong đó 60% số giáo viên cho rằng sự không hài lòng của họ là đang ở mức “rất nghiêm trọng”.

giao vien Han Quoc.png
 Cứ 10 giáo viên Hàn Quốc ở độ tuổi 20-30 thì có 9 người cân nhắc rời bỏ nghề vì mức lương không đủ. Ảnh: Korea Times.

“Lương tháng của tôi chỉ đủ trang trải các khoản chi tiêu, vì vậy tôi đã phải học thêm chứng chỉ tài chính. Tôi nghĩ công việc giáo viên này sẽ không thể để giúp tôi chuẩn bị cho việc nghỉ hưu”, cô giáo Lee ở Seoul chia sẻ.

Trong khi đó, cô giáo 39 tuổi Oh tại tỉnh Gyeonggi kể lại sự thất vọng của một đồng nghiệp trẻ: “Một giáo viên Gen Z tôi biết thường xuyên nói về ý định nghỉ dạy. Mặc dù các trò nghịch ngợm từ học sinh và phàn nàn của phụ huynh là điều không thể tránh khỏi nhưng giáo viên phải giải quyết những vấn đề này mà không có sự hỗ trợ đầy đủ từ các bên”.

Giới quan sát nhận định, các giáo viên chủ nhiệm đặc biệt phải chịu đựng áp lực lớn nhưng không được trả lương xứng đáng. Phụ cấp cho công việc chủ nhiệm không đủ so với khối lượng công việc.

Mức lương khởi điểm thấp hơn phí sinh hoạt

Mức lương khởi điểm của giáo viên tại Hàn Quốc dao động từ 2,19 triệu won (khoảng 37,9 triệu đồng) đến 2,25 triệu won (khoảng 39 triệu đồng).

 Mặc dù có các khoản phụ cấp nhưng khoản khấu trừ thuế và bảo hiểm khiến nhiều thầy cô chỉ còn thu nhập ròng khoảng 2 triệu won (34,6 triệu đồng)/tháng.

Ngay cả sau nhiều năm công tác, thu nhập trung bình sau thuế của các giáo viên mới chỉ đạt 2,31 triệu won (khoảng 40 triệu đồng) – thấp hơn mức chi phí sinh hoạt hàng tháng cho một hộ gia đình đơn thân là 2,46 triệu won (khoảng 42,6 triệu đồng), theo ước tính của Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc năm 2023.

Gánh nặng tài chính này đang khiến nhiều giáo viên trẻ rời bỏ nghề. Theo số liệu của Bộ Giáo dục Hàn Quốc, có 576 giáo viên có ít hơn 10 năm kinh nghiệm đã nghỉ việc vào năm 2023, tăng từ 448 người so với năm trước. 
Khi được hỏi về giải pháp cho làn sóng giáo viên trẻ nghỉ việc, 53,9% người tham gia khảo sát cho rằng việc cải thiện chế độ đãi ngộ là yếu tố quan trọng nhất trong khi 37,5% nhấn mạnh sự cần thiết của việc tăng cường bảo vệ quyền lợi giáo viên.  

“Trong một xã hội kinh tế thị trường, lương và điều kiện làm việc là những yếu tố cốt lõi để thu hút và giữ chân nhân tài”, GS Park Nam-gi tại Đại học Giáo dục Quốc gia Gwangju nhận định.

GS Park Joo-ho từ Khoa Giáo dục của Đại học Hanyang thừa nhận khó khăn trong việc tăng đáng kể lương cho giáo viên trường công nhưng nhấn mạnh các hình thức hỗ trợ khác.

“Mở rộng cơ hội đào tạo và hỗ trợ giáo viên nâng cao trình độ học vấn sẽ góp phần đào tạo đội ngũ có tay nghề cao. Việc tăng phụ cấp cho công việc chủ nhiệm và các trách nhiệm khác cũng rất quan trọng để giảm bớt sự không hài lòng”, ông nói.  

Trong khi đó, Liên đoàn Giáo viên Hàn Quốc đang tích cực kêu gọi những cải cách toàn diện, bao gồm tăng lương, giảm tải công việc và tăng cường bảo vệ pháp lý cho giáo viên.  

Ngoài các biện pháp tài chính, hệ thống giáo dục cần giải quyết những vấn đề mang tính hệ thống đang khiến các giáo viên trẻ rời bỏ nghề.

Việc tăng cường hỗ trợ trong việc xử lý các thách thức tại lớp học, cải thiện kênh liên lạc giữa giáo viên và các cơ quan quản lý, cùng với xây dựng một văn hóa tôn trọng nghề giáo được kỳ vọng góp phần tạo nên một môi trường sư phạm ổn định và lâu dài hơn cho người trẻ.

Giáo viên trường chuyên tâm tư trước thông tư cấm dạy thêm thu tiền trong trườngMột thầy giáo trường chuyên ở Nghệ An đã bày tỏ trăn trở liên quan đến những quy định về dạy thêm, học thêm; đặc biệt là việc dạy thêm trong trường hợp nhu cầu có thực và chính đáng.