Từ đây, các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới có thời gian, tập trung nhân lực và cơ sở vật chất phục vụ chủ yếu kiểm định cho các phương tiện kinh doanh vận tải và các phương tiện hết hạn kiểm định nhưng chưa được kiểm định để vừa giải quyết được ùn tắc vừa đảm bảo sớm đưa phương tiện vào khai thác vận tải, giảm thiểu các thiệt hại không đáng có cho xã hội.
Ngoài ra, triển khai Nghị định số 30/2023/NĐ-CP ngày 8.6.2023 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2018/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng đẩy mạnh phân cấp cho địa phương trong quản lý hoạt động kiểm định trên địa bàn, làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương.
Bên cạnh đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng tiếp nhận kiểm định viên của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng hỗ trợ kiểm định dân sự; điều chuyển đăng kiểm viên từ các đơn vị, địa phương hỗ trợ cho các đơn vị thiếu hụt đăng kiểm viên; huy động toàn bộ đăng kiểm viên, cán bộ, công nhân viên tại các đơn vị đăng kiểm làm thêm giờ, làm cả các ngày nghỉ, ngày lễ; xây dựng phần mềm đăng ký đặt lịch hẹn kiểm định cho chủ xe và hướng dẫn đơn vị đăng kiểm việc thực hiện việc đăng ký kiểm định trực tiếp nhằm hạn chế ùn tắc, công khai minh bạch, tiết kiệm thời gian cho người dân khi đưa phương tiện đến kiểm định.
Đến nay gần 90% đơn vị đăng kiểm đã hoạt động trở lại. Hầu hết trung tâm đăng kiểm đã không còn tình trạng ùn tắc. Thay vì tự phát đi đăng kiểm như trước đây, người dân đã hình thành thói quen đăng ký hẹn lịch kiểm định thông qua hệ thống đăng kiểm của Cục Đăng kiểm Việt Nam; chủ động tự kiểm tra, bảo dưỡng xe trước khi đi đăng kiểm. Điều này giúp cho lĩnh vực đăng kiểm chủ động sắp xếp công việc và là những thói quen tốt đảm bảo cho đăng kiểm hoạt động khoa học hơn.
Theo Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Nguyễn Chiến Thắng, thực hiện chỉ đạo của Ban Cán sự đảng, của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, thời gian tới, Cục tiếp tục rà soát toàn bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, thể chế liên quan đến đăng kiểm và khẩn trương, kịp thời ban hành sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực đăng kiểm gắn liền với tăng cường thanh tra, kiểm tra, phòng chống tiêu cực, lãng phí.
Cùng với đó, xây dựng Đề án “Đổi mới công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đăng kiểm”, tách bạch chức năng quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ, phân cấp quản lý đến địa phương nhằm nâng cao trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của từng cơ quan, từ trung ương đến địa phương trong quản lý hoạt động đăng kiểm phương tiện.
Đẩy mạnh việc phân cấp cho địa phương trong công tác quản lý hoạt động kiểm định trên địa bàn (cấp phép hoạt động, thanh tra, kiểm tra…) theo hướng rõ ràng, minh bạch về trách nhiệm quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương; các trung tâm đăng kiểm của lực lượng công an, quân đội và các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng được tham gia hoạt động cung cấp dịch vụ kiểm định xe ô tô; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ đăng kiểm, đảm bảo công khai, minh bạch, ngăn ngừa sự can thiệp vào hệ thống, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp…
Đặc biệt, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ rà soát các quy định liên quan đến cơ chế tài chính, giá dịch vụ, phí, lệ phí kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới để đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, bảo đảm bù đắp đủ chi phí hoạt động kiểm định, góp phần hạn chế phát sinh các tiêu cực trong kiểm định xe cơ giới.
Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, hiện tại năng lực đáp ứng thực tế của các đơn vị đăng kiểm còn dư từ 32 – 45%; trong đó, tại Hà Nội hiện có 27 đơn vị hoạt động với 45 dây chuyền, năng lực thực tế 2.700 xe/ngày, trong khi số lượng xe vào kiểm định là 1.610 xe/ngày, đạt 60% năng lực; tại TP Hồ Chí Minh hiện có 17 đơn vị hoạt động với 33 dây chuyền và năng lực thực tế 1.980 xe/ngày, trong khi số lượng xe vào kiểm định là 1.355 xe, đạt 68% năng lực.