Thực hiện Chương trình 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2025″ của Thành ủy Hà Nội, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội là đơn vị chủ trì, phối hợp với Sở GD&ĐT Hà Nội và các đơn vị chức năng thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho giáo viên phổ thông trên địa bàn TP giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (cụ thể hóa bằng Đề án 1209).
Trong quá trình xây dựng và thực hiên, Ban chuyên môn Đề án 1209 nhận được sự đồng hành của các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học tâm huyết với Hà Nội như: TS Nguyễn Văn Phong – Phó Bí Thư Thành ủy Hà Nội; GS.TS Phùng Hữu Phú, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo T.Ư, nguyên Phó Bí Thư thường trực Thành ủy Hà Nội, GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc – Phó Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, nguyên Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và phát triển Thủ đô… cùng các cơ quan, đơn vị: Ban Tuyên giáo Thành ủy; Sở VH&TT Hà Nội; Sở GD&ĐT Hà Nội.
Đặc biệt, được sự phối hợp tích cực của Sở GD&ĐT Hà Nội, các phòng GD&ĐT trên địa bàn, các nhà trường, đợt bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho giáo viên Hà Nội bước đầu đã gặt hái nhiều thành công.
Trong 3 tháng (tháng 7 – 10/2024), bằng linh hoạt các hình thức học tập (trực tiếp, trực tuyến, trải nghiệm), gần 6.000 học viên đã hoàn thành các lớp bồi dưỡng do Trường Đại học Thủ đô Hà Nội phối hợp với Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức.
Tham gia khóa bồi dưỡng, cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên đại trà (giáo viên không dạy nội dung giáo dục địa phương Hà Nội) được trang bị kiến thức cơ bản nhất về lịch sử, vùng đất, con người Hà Nội. Giáo viên dạy nội dung giáo dục địa phương được bồi dưỡng chuyên sâu hơn qua các chuyên đề về lịch sử, địa lý, dân cư tính cách người; văn hóa, làng nghề, danh nhân; di tích lịch sử, kinh tế… của Hà Nội gắn với quy hoạch Thủ đô; Công nghiệp văn hóa….
Thay mặt lãnh đạo Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, TS Đỗ Hồng Cường – Hiệu trưởng nhà trường biểu dương và đánh giá cao sự nghiêm túc và tinh thần học tập, nâng cao kiến thức về Hà Nội học của các thầy cô giáo trên địa bàn Thủ đô thời gian qua; đồng thời nhấn mạnh, việc đưa môn Hà Nội học vào dạy trong các nhà trường có thành công hay không phần lớn nhờ vào sự chung tay của các nhà giáo Thủ đô, đặc biệt là từ đội ngũ các nhà giáo làm công tác quản lý tại các trường.
“Hy vọng rằng, thời gian tới TP sớm có chủ trương đưa môn Hà Nội học vào giảng dạy tại các nhà trường, tạo cơ sở pháp lý cho việc đào tạo giáo viên, có nhu cầu vị trí việc làm trong các trường học. Bên cạnh đó, tạo cơ sở để trường Đại học Thủ đô Hà Nội và Sở GD&ĐT cùng các chuyên gia xây dựng chương trình, học liệu về Hà Nội học một cách hệ thống, có sự thống nhất giữa các cấp học…”, TS Đỗ Hồng Cường nhấn mạnh.
Nhà giáo Nguyễn Diệu Ánh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Nhật Duật, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội – một trong gần 6.000 học viên tham gia khóa bồi dưỡng bày tỏ: những kiến thức và trải nghiệm có được trong khóa học thực sự là hành trình khám phá thú vị và ý nghĩa, giúp các cấp quản lý, các thầy cô tham gia không chỉ mở rộng các mối quan hệ mà còn nuôi dưỡng tình yêu và sự tự hào về mảnh đất nghìn năm văn hiến Thăng Long – Hà Nội.
Tại lễ tổng kết, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội gửi lời tri ân các chuyên gia đã tích cực tham gia đề án; đồng thời trao thưởng cho hơn 200 học viên có nhiều thành tích xuất sắc trong đợt bồi dưỡng.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/gan-6-000-giao-vien-ha-noi-hoan-thanh-lop-boi-duong-kien-thuc-ha-noi-hoc.html