Phát biểu khai mạc khóa bồi dưỡng, bà Nguyễn Thị Hải Vân – Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, hiện nay tại Việt Nam, nhiều nhà báo và cơ quan báo chí đã nỗ lực trong việc cung cấp kịp thời cho công chúng thông tin về các nhóm dễ bị phân biệt đối xử nhằm bảo vệ họ, chống lại mọi sự kỳ thị, định kiến, phân biệt đối xử với họ. Tuy nhiên, cũng còn nhiều cơ quan báo chí vẫn chưa thể hiện sự quan tâm đầy đủ và làm sáng tỏ các quan niệm sai lầm và xóa bỏ các định kiến xã hội về các nhóm thường hay bị gạt ra ngoài lề xã hội.
Để khắc phục tình trạng này rất cần sự tham gia chung tay của các nhà báo, phóng viên. Các cơ quan báo chí, các nhà báo cần có trách nhiệm bảo vệ mọi thành viên trong xã hội, chống lại phân biệt đối xử trong vai trò cung cấp thông tin phù hợp, chính xác và khách quan cho công chúng.
“Việc đưa tin khách quan, chính xác sẽ giúp nâng cao nhận thức của công chúng về quyền lợi của các nhóm dễ bị phân biệt đối xử; góp phần chống phân biệt đối xử và làm giảm thành kiến của xã hội đối với họ, qua đó, thúc đẩy một xã hội Việt Nam hòa nhập và bình đẳng hơn”, bà Vân nhận định.
Tại khóa bồi dưỡng, các chuyên gia, giảng viên đã truyền đạt đến các phóng viên, biên tập viên những kiến thức về nhóm phụ nữ dễ bị tổn thương và người khuyết tật; pháp luật quốc tế và Việt Nam về chống phân biệt đối xử; nhóm LGBTI và thực trạng tại Việt Nam; đạo đức và cách thức đưa tin hiệu quả.
Riêng với cách tiếp cận, đưa tin về nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội, buổi tập huấn đã nêu lên một số khía cạnh, chủ đề dễ thấy như: bạo lực gia đình, phân biệt, kỳ thị giới tính, quấy rối tình dục… Qua đó gợi mở những cách tiếp cận mới cho báo chí đối với nhóm dễ bị tổn thương.
Tại khóa bồi dưỡng, các nhà báo và phóng viên các cơ quan báo chí trung ương và địa phương đã tham gia thảo luận sôi nổi, đóng góp ý kiến về những vấn đề xoay quanh nhóm những người dễ bị tổn thương và kỹ năng tác nghiệp đưa tin.
Đặc biệt cũng từ khóa bồi dưỡng này, nhiều ý kiến hữu ích được đưa ra để sửa đổi, bổ sung hoàn thiện “Sổ tay dành cho báo chí đưa tin về một số nhóm dễ bị tổn thương”. Đây là tài liệu do Hội Nhà báo Việt Nam, Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí và Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP) phối hợp thực hiện.
Nguồn: https://www.congluan.vn/gan-40-nha-bao-tham-gia-khoa-boi-duong-ky-nang-dua-tin-ve-nhom-de-bi-ton-thuong-post296751.html