(HNMO) – Bộ Xây dựng vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC).
Bộ Xây dựng cho biết, hiện có 9 quy chuẩn, 25 tiêu chuẩn về nhà và công trình, 28 tiêu chuẩn về phương tiện, thiết bị PCCC do các bộ: Công an, Xây dựng, Công Thương, Khoa học và Công nghệ biên soạn, ban hành. Trong đó, có Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình (QCVN 06:2010/BXD, có sửa đổi, bổ sung qua các năm 2020, 2021, 2022) do Bộ Xây dựng chủ trì, Bộ Công an phối hợp nghiên cứu, ban hành.
Qua nắm bắt thực tiễn, đối thoại với các cơ quan, tổ chức, cá nhân, làm việc với Bộ Công an và ý kiến của các địa phương, Bộ Xây dựng chỉ rõ các khó khăn, vướng mắc về PCCC trong thực tiễn thời gian qua.
Trong đó, công trình hiện hữu có vi phạm về PCCC được thi công xây dựng và khai thác sử dụng trong nhiều giai đoạn (trước khi có QCVN 06:2022/BXD có hiệu lực) mà không được xử lý kịp thời hoặc thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Số lượng cơ sở vi phạm thuộc diện không thẩm duyệt về PCCC chiếm tỷ trọng lớn nhất (66,2%), dẫn đến các quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC ít được quan tâm.
Với các công trình xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa, nhiều chủ đầu tư, đơn vị tư vấn về PCCC chưa nhận thức đúng đắn về quy chuẩn, tiêu chuẩn PCCC nói chung, trong đó có QCVN 06:2022/BXD; nhiều nội dung bị hiểu sai, áp dụng sai….
Các công trình hiện hữu có tồn tại về PCCC là khó khăn, vướng mắc lớn nhất hiện nay. Số lượng các công trình này không nhỏ, gần 40.000 công trình, tích lũy qua nhiều năm, với các tồn tại khác nhau, không dễ để khắc phục. Những công trình này vi phạm nguyên tắc an toàn cơ bản, như: Nhà nhiều tầng, tập trung đông người nhưng chỉ có một lối thoát nạn; nhà nhiều tầng sử dụng thang hở, trong trường hợp có cháy không kiểm soát thì khói sẽ nhanh chóng lan theo thang hở và xâm chiếm vào các tầng, gây rủi ro cho người sử dụng công trình.
Bộ Xây dựng đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, Bộ Xây dựng và các bộ, ngành, địa phương phối hợp rà soát, phân loại các công trình có tồn tại về PCCC theo thời điểm thẩm duyệt, nghiệm thu; loại và quy mô công trình; các tồn tại, vi phạm về PCCC; phối hợp Bộ Xây dựng nghiên cứu xây dựng các nhóm giải pháp tăng cường, bổ sung về PCCC cho các công trình hiện hữu; tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết của Chính phủ để giải quyết các vấn đề trước mắt và cơ chế chính sách phù hợp cho đối tượng này trong lâu dài bảo đảm đúng quy định pháp luật.
Trên cơ sở đó, chỉ đạo công an các địa phương hướng dẫn các cơ sở có tồn tại về PCCC thực hiện giải pháp tăng cường, bổ sung căn cứ trên điều kiện, tình huống cụ thể của cơ sở đó, đồng thời hướng dẫn các cơ sở và cơ quan quản lý về PCCC theo phân quyền thực hiện các giải pháp tăng cường kiểm tra, giám sát về PCCC để các cơ sở sớm được khai thác sử dụng trở lại (vận hành có điều kiện).
Tiếp tục rà soát các quy chuẩn, tiêu chuẩn trong lĩnh vực an toàn cháy cho nhà và công trình, có kế hoạch sửa đổi, biên soạn mới cụ thể, định kỳ; kịp thời sửa đổi theo thẩm quyền các vướng mắc, khó khăn do quy chuẩn, tiêu chuẩn; xây dựng, ban hành các hướng dẫn áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn…
Đồng thời, theo thẩm quyền, thường xuyên, định kỳ tập huấn, phổ biến, hướng dẫn về áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn; quy trình, thủ tục, nội dung các công tác góp ý, thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân…