Ngày 16-12, gần 200 học viên đến từ các cơ sở y tế, cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp đã tham gia khóa học chuyên gia ‘Phương pháp nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế’.
Cung cấp kỹ năng, kiến thức về nghiên cứu khoa học
Mục tiêu chính của khóa học là trang bị cho người học những kỹ năng, kiến thức về thiết kế nghiên cứu khoa học.
Đồng thời, khóa học sẽ giúp học viên biết cách soạn và công bố bài báo khoa học trên các tập san quốc tế. Dự kiến, khóa học diễn ra trong vòng 7 ngày với 23 chuyên đề.
Thông qua khóa học, học viên sẽ hình dung được mô hình nghiên cứu, cách xử lý câu hỏi nghiên cứu, cách đặt nhan đề bài báo, cách viết abstract, cách viết phần dẫn nhập, cách viết phần phương pháp…
Bà Nguyễn Thị Xuân Vy – viện trưởng Viện Phát triển nguồn lực xã hội Phương Nam, đơn vị tổ chức khóa học – cho biết các chuyên gia trong và ngoài nước của viện sẽ cập nhật xu hướng mới nhất trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.
“Chương trình góp phần nâng cao kiến thức chuyên sâu và thúc đẩy chất lượng nguồn lực cho các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước, nhằm đổi mới sáng tạo và phát triển, nhất là trong giai đoạn chuyển đổi số hiện nay” – bà Vy nói.
Lệ thuộc vào AI không đáp ứng được tiêu chuẩn về đạo đức
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn – chuyên gia về y học thế giới, giám đốc Trung tâm Công nghệ y tế thuộc Đại học Công nghệ Sydney, báo cáo viên chính – đánh giá năng suất khoa học của Việt Nam tăng rất nhanh, số bài báo khoa học tăng gấp hai lần là xu hướng rất đáng khích lệ.
Theo giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, khóa học sẽ cung cấp cho người học những kiến thức cần thiết để thiết kế công trình nghiên cứu bài bản, có thể công bố trên tập san quốc tế, soạn bài báo, chọn tập san để công bố kết quả nghiên cứu.
“Những vấn đề này trở nên thời sự khi cứ mỗi năm xét duyệt chức danh giáo sư, phó giáo sư đều xảy ra tranh cãi xung quanh bài báo khoa học. Tôi hy vọng qua khóa học, các anh chị sẽ phân biệt được tập san nào chính thống và không chính thống” – giáo sư Tuấn nói.
Tuy nhiên, giáo sư Nguyễn Văn Tuấn cũng cho rằng năng suất nghiên cứu khoa học của Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực. Nguyên nhân là có đề tài nghiên cứu nhưng thiết kế công trình nghiên cứu không đạt và cả không biết cách soạn cho đúng để đáp ứng với các tập san.
“Trí thông minh nhân tạo (AI) có tác động rất lớn trong việc làm hằng ngày. Nếu lệ thuộc vào nó quá nhiều dẫn đến tình trạng không đáp ứng được tiêu chuẩn về đạo đức trong nghiên cứu khoa học” – ông Tuấn chia sẻ thêm.
Nguồn: https://tuoitre.vn/gan-200-nguoi-hoc-phuong-phap-nghien-cuu-khoa-hoc-va-cong-bo-quoc-te-20241216095017808.htm