Theo truyền thông nhà nước Bangladesh đưa tin hôm 22/6, phần lớn thành phố Sylhet ở phía đông bắc nước này đã bị nước nhấn chìm trong đợt lũ thứ hai tấn công khu vực này trong vòng chưa đầy một tháng.
Theo truyền thông địa phương, lũ lụt trên diện rộng gây ra bởi mưa xối xả kéo dài và nước chảy tràn từ các khu vực đồi núi ở thượng nguồn biên giới với Ấn Độ, khiến 4 con sông dâng cao vượt quá mức nguy hiểm. Những người bị mắc kẹt do nước lũ hiện đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực và thiếu nước sạch.
Khoảng 964.000 người ở Sylhet và 792.000 người ở Sunamganj đã bị ảnh hưởng bởi lũ lụt. Chính quyền cho biết đã thiết lập hơn 6.000 nơi trú ẩn để giúp đỡ những người phải di dời.
Trong số đó có 772.000 trẻ em đang cần hỗ trợ khẩn cấp, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết hôm 21/6. Cơ quan này cho biết hơn 800 trường học đã bị ngập và 500 trường khác được dùng làm nơi trú ẩn lũ lụt.
Tổ chức phát triển quốc tế BRAC cho biết họ đang giúp cung cấp thực phẩm khẩn cấp và hỗ trợ y tế cho hàng trăm gia đình ở Sylhet và Sunamganj. Cơ quan này cho biết khoảng 2,25 triệu người đã bị ảnh hưởng bởi lũ quét, 12.000 người trong khu vực không có điện.
Ông Khondoker Golam Tawhid, người đứng đầu Chương trình quản lý rủi ro thiên tai của BRAC, cho biết lũ lụt ở Bangladesh đang “trở nên nguy hiểm hơn” với “những thiệt hại lớn về sinh kế, đa dạng sinh học và cơ sở hạ tầng – cũng như sự gián đoạn đối với các dịch vụ trường học và y tế”.
Trong khi đó, người nuôi cá phải đối mặt với thiệt hại đáng kể khi nước lũ cuốn trôi hàng nghìn trang trại và ao hồ, truyền thông địa phương đưa tin thiệt hại kinh tế lên tới hơn 11,4 triệu USD.
Trận mưa lớn và lũ lụt mới nhất xảy ra khi khu vực này hầu như chưa phục hồi sau lũ lụt trên diện rộng vào cuối tháng 5 gây ra bởi Bão nhiệt đới Remal, gây ảnh hưởng đến không chỉ Bangladesh mà còn miền nam Ấn Độ, và ảnh hưởng đến khoảng 5 triệu người.
Các nghiên cứu cho thấy quốc gia Nam Á này là một trong những nước dễ bị tổn thương nhất thế giới trước tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu do con người gây ra. Khi các hiện tượng thời tiết cực đoan trở nên thường xuyên và nghiêm trọng hơn do khủng hoảng khí hậu, các tác động nhân đạo và kinh tế đối với Bangladesh sẽ tiếp tục xấu đi.
Theo Ngân hàng Thế giới, đến năm 2050, 13 triệu người ở Bangladesh có thể trở phải di cư vì khí hậu và lũ lụt nghiêm trọng có thể khiến GDP giảm tới 9%.
Ngọc Ánh (theo CNN, BBS)
Nguồn: https://www.congluan.vn/gan-2-trieu-nguoi-mac-ket-do-mua-lu-nghiem-trong-o-bangladesh-post300456.html