Gần 15 triệu tấn thép các loại đã được nhập khẩu về thị trường Việt Nam trong 10 tháng năm 2024, trị giá tới 10,48 tỷ USD, sản lượng thép nhập 10 tháng đã vượt mức 13,3 triệu tấn nhập khẩu trong năm ngoái.
Gần 15 triệu tấn thép ngoại đổ bộ, Việt Nam tiêu tốn hơn chục tỷ USD
Gần 15 triệu tấn thép các loại đã được nhập khẩu về thị trường Việt Nam trong 10 tháng năm 2024, trị giá tới 10,48 tỷ USD, sản lượng thép nhập 10 tháng đã vượt mức 13,3 triệu tấn nhập khẩu trong năm ngoái.
Tháng 10/2024 là tháng nhập khẩu thép cao kỷ lục, với 2,41 triệu tấn, trị giá1,51 tỷ USD. |
Thép nhập khẩu liên tiếp đổ bộ về thị trường Việt Nam suốt từ đầu năm đến nay. Theo dữ liệu thống kê về nhập khẩu hàng hóa 10 tháng của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu sắt thép các loại tăng mạnh, là 1 trong 7 nhóm hàng nhập khẩu vượt 10 tỷ USD.
Trong đó, tháng 10 cũng đánh dấu tháng có sản lượng nhập khẩu tăng kỷ lục, với 2,41 triệu tấn, trị giá đạt 1,51 tỷ USD, tăng 55,9% về lượng và tăng 41,7% về trị giá so với tháng trước.
Tính chung 10 tháng/2024, lượng nhập khẩu sắt thép đạt 14,71 triệu tấn với trị giá là 10,48 tỷ USD, tăng mạnh 38,2% về lượng và tăng 23,2% về trị giá.
Đáng lưu ý, lượng sắt thép nhập từ Trung Quốc gia tăng đột biến. 10 tháng qua, nhập khẩu sắt thép các loại từ Trung Quốc tăng đạt 10,16 triệu tấn, tăng 58,9% (tương ứng tăng 3,77 triệu tấn) với trị giá đạt 6,37 tỷ USD, tăng 43,2%.
Thép cuộn, thép tấm, thép mạ kẽm, thép thanh và dây thép… là những mặt hàng được nhập khẩu nhiều.
Con số nhập khẩu thép từ Trung Quốc trong 10 tháng đã vượt xa mức nhập khẩu của cả năm ngoái. Trong năm 2023, lượng sắt thép nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam đạt 8,2 triệu tấn, tương đương hơn 5,6 tỷ USD, chiếm 62% trong tổng lượng và chiếm 54% tổng trị giá nhập khẩu sắt thép của nước ta.
Thị trường nhập sắt thép lớn thứ 2 là Nhật Bản, đạt 1,7 triệu tấn, tăng 4,6% (tương ứng tăng 75.000 tấn); từ Hàn Quốc đạt 1,05 triệu tấn, tăng 15,3% (tương ứng tăng 139.000 tấn) so với cùng kỳ năm trước.
Với tổng lượng 12,91 triệu tấn, 3 thị trường kể trên chiếm tới 87,76% tổng lượng sắt thép nhập khẩu của cả nước.
So sánh với con số 7,96 tỷ USD thu về từ xuất khẩu 10 tháng qua, Việt Nam đang nhập siêu sắt thép 3,1 tỷ USD.
Hiệp hội Théo Việt Nam (VSA) dự báo sản xuất thép thành phẩm năm 2024 của Việt Nam có thể đạt 30 triệu tấn, tăng 7% so với năm 2023. Tuy nhiên, sự phục hồi này không chắc chắn và các doanh nghiệp thép còn gặp nhiều khó khăn.
Một trong những nguyên nhân chính là việc Trung Quốc tiếp tục gia tăng xuất khẩu thép, các nhà sản xuất thép Việt Nam khó khăn trong bán hàng, đồng nghĩa với cuộc chiến cạnh tranh về giá thép thành phẩm tại thị trường nội địa ngày càng khốc liệt hơn.
Theo dữ liệu từ Tổng cục hải quan Trung Quốc, xuất khẩu thép của nước này tính riêng trong tháng 9/2024 đạt trên 10,15 triệu tấn, tăng 6,9% so với tháng trước và tăng mạnh 25,9% so với cùng kỳ.
Việc gia tăng lượng xuất khẩu chủ yếu do nhu cầu nội địa yếu, đặc biệt trong các lĩnh vực xây dựng và sản xuất, buộc các nhà sản xuất phải tìm kiếm khách hàng nước ngoài.
Lũy kế 9 tháng 2024, sản lượng thép Trung Quốc xuất khẩu tăng 21,2% so với cùng kỳ, với 80,7 triệu tấn. Dù sản lượng xuất khẩu tăng mạnh, nhưng kim ngạch xuất khẩu lại giảm 5% so với cùng kỳ năm 2023, cho thấy giá thép xuất khẩu của Trung Quốc rất cạnh tranh.
Việc Trung Quốc nhanh chóng gia tăng xuất khẩu các sản phẩm thép giá rẻ sang nhiều thị trường khu vực trong hai năm qua đã làm gia tăng chủ nghĩa bảo hộ trên toàn thế giới. Chỉ tính riêng thép không gỉ của Trung Quốc đang phải chịu hơn 102 lệnh áp thuế phòng vệ thương mại trên toàn thế giới, bao gồm Việt Nam.
Trước sự đổ bộ quá lớn của thép nhập khẩu, đặc biệt có sự gia tăng đột biến từ một số thị trường, trong nỗ lực bảo vệ ngành sản xuất nội địa, Bộ Công thương đã sử dụng đến công cụ phòng vệ thương mại. Cụ thể, ngày 26/7/2024 Bộ đã ban hành Quyết định số 1985/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép cán nóng có xuất xứ từ Ấn Độ và Trung Quốc.
Quyết định điều tra dựa trên hồ sơ yêu cầu do các công ty sản xuất trong nước nộp theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương cáo buộc các nhà sản xuất thép cán nóng từ Ấn Độ và Trung Quốc đang bán phá giá sản phẩm này sang Việt Nam, gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước.
Nguồn: https://baodautu.vn/gan-15-trieu-tan-thep-ngoai-do-bo-viet-nam-tieu-ton-hon-chuc-ty-usd-d230479.html