Tại hội nghị công bố thông tin của ngành Ngân hàng ngày 8.1, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến cuối năm 2023, có hơn 13,5 triệu tỉ đồng nhàn rỗi của người dân và doanh nghiệp gửi tại ngân hàng, tăng 14% so với năm 2022.
Mức tăng này tạo kỷ lục cao nhất trong vòng 1 thập kỷ, trong khi lãi suất huy động hiện nay của các ngân hàng tiếp tục giảm.
Hiện mức lãi suất tiết kiệm của các ngân hàng về bằng hoặc dưới mức 6%, thậm chí ở các kỳ hạn ngắn, mức lãi suất về mức thấp kỷ lục.
Nhiều chuyên gia từng lý giải, lượng tiền gửi của người dân tăng đột biến là do năm 2023, các kênh đầu tư ảm đạm, nhiều kênh đầu tư như bất động sản, trái phiếu… còn nhiều rủi ro.
Tính đến hết tháng 12.2023, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 13,7% so với cuối năm 2022.
Phát biểu đánh giá tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, ngân hàng là mạch máu của nền kinh tế; ngân hàng có tính dân tộc, khoa học và đại chúng.
Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi trong năm 2023, trong bối cảnh nhiều khó khăn, người dân vẫn gửi 13,5 triệu tỉ đồng vào hệ thống ngân hàng, cho thấy đời sống nhân dân được nâng lên, nhân dân tin tưởng vào Đảng, Nhà nước và hệ thống ngân hàng.
Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực, quyết tâm cao và kết quả đạt được của ngành ngân hàng trong năm 2023, đóng góp quan trọng vào thành quả chung của đất nước trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức. Năm 2023, tình hình kinh tế – xã hội nước ta tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, đạt được mục tiêu tổng quát đề ra.
Nhấn mạnh những kết quả nổi bật của hoạt động ngân hàng năm 2023, Thủ tướng nêu rõ, Ngân hàng Nhà nước đã đóng góp quan trọng vào mục tiêu của Chính phủ về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, ổn định thị trường ngoại hối, tỉ giá.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng còn những hạn chế, bất cập và tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Thủ tướng cho rằng ngành ngân hàng cần cố gắng hơn nữa trong bám sát, nắm chắc tình hình, phản ứng chính sách kịp thời, đúng thời điểm; hoạt động ngân hàng chấp nhận có rủi ro nhưng cần lưu ý hơn nữa các công cụ kiểm soát rủi ro; phối hợp tốt hơn nữa với các bộ, ngành; thấu hiểu và chia sẻ nhiều hơn nữa với doanh nghiệp và người dân trong lúc khó khăn; coi trọng hơn nữa công tác thanh tra, giám sát.