Trước giá trị lớn của cây sâm quốc bảo Ngọc Linh, tỉnh Quảng Nam cho thử nghiệm di thực để mở rộng vùng trồng, nhưng qua đánh giá cho thấy sâm không phát triển như mong đợi.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 20-1, ông Trương Công Quang, giám đốc Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam, cho biết vừa thống nhất đề xuất kết thúc các mô hình thử nghiệm di thực sâm Ngọc Linh do sâm phát triển kém.
Cả bảy mô hình trồng thử sâm Ngọc Linh đều chưa đạt
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam, cuối năm 2021 nhiều địa phương ở tỉnh này bắt đầu thử nghiệm di thực sâm Ngọc Linh.
Sâm con được đưa từ các vườn ươm tại Nam Trà My về các vùng có thổ nhưỡng tiệm cận để thử nghiệm.
Từ tháng 8 đến tháng 11-2021 có bảy mô hình thử nghiệm di thực sâm Ngọc Linh ở bốn huyện gồm Bắc Trà My, Tây Giang, Nam Giang và Phước Sơn.
Tới tháng 9-2022 có thêm hai mô hình tại Núi Thành và Tiên Phước. Các mô hình trồng tối đa 1.000 cây, riêng huyện Phước Sơn trồng hai mô hình với tổng 1.000 cây
Để sâm sinh trưởng tốt, các mô hình di thực được chăm sóc theo quy trình chặt chẽ. Hằng năm, một tổ công tác cũng được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập xuống các vườn kiểm tra, đánh giá thực tế.
Thời gian kiểm tra, đánh giá mỗi tháng 6 đến tháng 8 hằng năm. Đây là giai đoạn cây sâm Ngọc Linh sinh trưởng và phát triển thân, lá đầy đủ sau kỳ ngủ đông.
Sâm Ngọc Linh phát triển tốt ở năm đầu, lay lắt các năm về sau
Theo Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam, ba năm (từ 2022-2024) theo dõi cho thấy các thông số cây sâm di thực không đạt như kỳ vọng. Sâm khác xa với các diện tích được trồng tại vùng rừng núi Ngọc Linh (Nam Trà My).
Tỉ lệ cây tái sinh chồi đều tăng ở năm thứ hai từ lúc di thực, trung bình 35%. Tuy nhiên đến năm thứ ba thì tỉ lệ cây sinh chồi bắt đầu đi xuống. Có nơi như ở huyện Tiên Phước hầu như cây sâm hoàn toàn không tái sinh chồi.
Đánh giá về các chỉ tiêu sinh trưởng của cây sâm di thực cũng cho thấy tình cảnh tương tự.
Ở hai năm đầu, cây sâm Ngọc Linh sinh trưởng ổn định chiều cao thân và đường kính tán lá. Tuy nhiên đến năm thứ ba thì khả năng sinh trưởng bắt đầu giảm mạnh và kém hơn hẳn cây sâm ở vùng chuyên canh.
Ở các chỉ tiêu liên quan đến củ thì hai năm đầu củ sâm Ngọc Linh tại các mô hình phát triển ở mức trung bình.
Tuy nhiên cũng như các chỉ tiêu khác, đến năm thứ ba khả năng phát triển rất yếu. Các chỉ tiêu đường kính và chiều dài củ đều thấp hơn nhiều so với cây sâm Ngọc Linh cùng độ tuổi trồng tại huyện Nam Trà My.
Trọng lượng củ ở các mô hình dao động 1,3 – 3,4 gam/củ, bằng 15 – 25% so với củ sâm tại vùng trồng sâm Ngọc Linh ở Nam Trà My.
Đánh giá tổng quan các mô hình di thực thử nghiệm, Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam cho rằng khả năng thích nghi với môi trường tự nhiên và điều kiện sinh thái tại ngoài vùng núi Ngọc Linh của cây sâm rất thấp, khả năng sinh trưởng và phát triển yếu.
Từ thực tế đó, Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam cho biết cùng thống nhất với các ý kiến đề xuất kết thúc mô hình trồng thử nghiệm di thực sâm Ngọc Linh.
Theo ông Trương Công Quang, việc các mô hình di thực thử nghiệm chưa như kỳ vọng là điều rất đáng tiếc. Tuy nhiên đây mới chỉ là đánh giá ở một giai đoạn, một vùng môi trường thổ nhưỡng cụ thể.
Cây sâm Ngọc Linh lâu nay sống trên vùng núi cao, khí hậu lạnh mát quanh năm, độ mùn dày tầng lớp dưới rừng già.
Việc di thực đặt ra kỳ vọng sẽ mở rộng cơ hội cho các địa phương khác trong việc chia sẻ lợi ích từ cây sâm quốc bảo Việt Nam này. Tuy nhiên sâm Ngọc Linh là loài rất khó thích nghi.
Ông Quang cho biết đã đề xuất tiếp tục thử nghiệm di thực sâm Ngọc Linh theo hướng chọn những vườn di thực có độ cao từ 1.500m trở lên so với mực nước biển.
Đặc biệt cây sâm di thực cũng chọn cây đạt từ hai năm tuổi để tăng khả năng thích nghi.
Sâm Ngọc Linh (còn gọi là sâm K5) được mệnh danh là quốc bảo, tập trung ở quanh dãy núi Ngọc Linh trên vùng giáp ranh giữa Kon Tum và Quảng Nam.
Từ loài cây hoang dại, tới nay loài sâm này đã giúp hàng ngàn nông dân, chủ vườn đổi đời. Hiện mỗi lượng sâm trên thị trường dao động 6 – 15 triệu đồng.
Cá biệt, nhiều củ sâm tuổi đời cao và trọng lượng nặng có giá trị hàng trăm triệu, thậm chí được giao dịch cả tỉ đồng.
Nguồn: https://tuoitre.vn/gan-10-ngan-cay-quoc-bao-nam-yen-sau-ba-nam-dua-di-noi-khac-trong-20250120154006683.htm