Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc – 2024 đợt 2 do Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, Sở VH-TT&DL tỉnh Bình Dương và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức.
Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc không chỉ là dịp để các nghệ sĩ cọ xát, học hỏi kinh nghiệm, mà còn là dịp để khán giả trên cả nước được thưởng thức những tiết mục nghệ thuật đặc sắc. Qua đó, góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của loại hình ca múa nhạc nước nhà, đồng thời tạo dựng cầu nối văn hóa nghệ thuật giữa các vùng miền.
Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc – 2024 đợt 2, với sự tham gia của gần 1.500 nghệ sĩ đến từ 24 đơn vị trong cả nước. Bao gồm các đơn vị nghệ thuật ca múa nhạc chuyên nghiệp trong và ngoài công lập; các đơn vị nghệ thuật ca múa nhạc thuộc lực lượng vũ trang; các đơn vị nghệ thuật giao hưởng, nhạc, vũ kịch trong và ngoài công lập trên toàn quốc.
Quy định đối với đơn vị nghệ thuật, nghệ sĩ tham gia Liên hoan: Mỗi đơn vị được tham gia 1 chương trình, vở diễn với thời lượng từ 60 phút đến 110 phút.
Các loại hình tham gia Liên hoan: Ca múa nhạc tổng hợp, các loại hình nghệ thuật phương Tây như: Giao hưởng, nhạc kịch, vũ kịch, thanh xướng kịch, broadway, opera…
Các chương trình, tiết mục, vở diễn, vai diễn (trong nhạc kịch, vũ kịch…) đã đạt giải trong các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật do Bộ VH-TT&DL, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tổ chức không được tham gia Liên hoan. Các tác phẩm thanh nhạc, khí nhạc, phần nhạc đệm cho hát, đệm cho độc tấu nhạc cụ phải được nghệ sĩ biểu diễn trực tiếp tại sân khấu.
Riêng âm nhạc của múa có thể biểu diễn trực tiếp hoặc được thu thanh trước. Các loại hình nghệ thuật phương Tây được sử dụng tác phẩm nước ngoài. Các chương trình, tiết mục, vở diễn, vai diễn… phải được cơ quan chức năng phê duyệt công diễn trước 15 ngày khai mạc Liên hoan.
Theo thể lệ Liên hoan, quy định đối với chương trình nghệ thuật, về chủ đề nội dung: Các chương trình, tiết mục, vở diễn tham gia Liên hoan cần có chủ đề và nội dung rõ ràng; ca ngợi đất nước, con người Việt Nam; không trái với chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; khuyến khích xây dựng chương trình, tác phẩm mang bản sắc văn hóa các dân tộc, vùng, miền, thể hiện sự phong phú, đa dạng của nghệ thuật.
Bộ VH-TT&DL tặng thưởng huy chương vàng, huy chương bạc cho chương trình, vở diễn gắn với các thành phần sáng tạo chương trình, vở diễn (chỉ đạo nghệ thuật, tổng đạo diễn chương trình ca múa nhạc, đạo diễn, chỉ huy dàn nhạc, chỉ huy hợp xướng, chỉ huy dàn nhạc vũ kịch; nhạc sĩ, biên đạo, họa sĩ, thiết kế phục trang, đạo cụ …)…
Thông qua Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc – 2024, Ban Tổ chức hy vọng sẽ khẳng định được vai trò to lớn của nghệ thuật trong việc phát huy, giữ gìn và quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời thúc đẩy sự sáng tạo và phát triển nghệ thuật biểu diễn tại Việt Nam.
Do ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 Yagi nên Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc – 2024 (đợt 1) tại Vĩnh Phúc (dự kiến tổ chức vào đầu tháng 9) chưa được triển khai do đang thực hiện các biện pháp của Chính phủ khắc phục hậu quả sau bão lũ.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giai-tri/gan-1500-nghe-si-tham-gia-lien-hoan-ca-mua-nhac-toan-quoc-dot-2-20240926153930292.htm