Bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho hội viên
Hội VHNT tỉnh hiện có 147 hội viên, sinh hoạt tại 8 chi hội trực thuộc, trong đó có 4 chi hội chuyên ngành và 4 chi hội địa phương. Nhiệm kỳ 2017 -2022, Hội VHNT tỉnh Đắk Nông có 11 người được kết nạp hội viên Trung ương ở các chuyên ngành: mỹ thuật, nhiếp ảnh, âm nhạc, múa, văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số, đạt 300% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội III đề ra.
Đến nay, Đắk Nông có 40 hội viên Trung ương. Đặc biệt, Hội VHNT tỉnh Đắk Nông có 2 hội viên được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, đánh dấu việc xóa được “vùng trắng” hội viên Hội Nhà văn Việt Nam ở Đắk Nông.
Hằng năm, Hội phối hợp với Sở GD-ĐT tổ chức các lớp bồi dưỡng văn học nghệ thuật cho học sinh, với 2 chuyên ngành văn học và mỹ thuật. Qua các lớp bồi dưỡng, nhiều cây bút trẻ có năng khiếu và đam mê đã được phát hiện. Một số em trở thành cây bút có triển vọng, thường xuyên có tác phẩm đăng trên các báo, tạp chí.
Để nâng cao chất lượng của các tác phẩm cho các hội viên thì việc tổ chức các cuộc thi, việc bồi dưỡng sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật được Hội VHNT tỉnh chú trọng. Nhiều hoạt động sáng tác VHNT lần đầu tiên được tổ chức và đạt chất lượng cao như Cuộc Thi thơ trên Tạp chí Nâm Nung; Cuộc thi ảnh nghệ thuật “Đắk Nông trong tôi”; Cuộc thi sáng tác ca khúc về Đắk Nông, Triển lãm nhiếp ảnh, mỹ thuật… thu hút sự tham gia của hội viên, văn nghệ sĩ trong cả nước.
Mặt khác, thông qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên ngành sáng tác, phê bình văn học, mỹ thuật, nhiếp ảnh… đã góp phần nâng cao nghiệp vụ, nhận thức cho hội viên và cộng tác viên. Chất lượng về nội dung, tư tưởng và giá trị nghệ thuật của tác phẩm được nâng cao.
Các chuyến đi thực tế sáng tác, không chỉ là dịp để không ít tác phẩm nghệ thuật được “thai nghén”, hoàn thiện mà còn là cơ hội để văn nghệ sĩ gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tiếp thêm nguồn sinh lực đam mê sáng tạo.
Họa sĩ Nguyễn Ngọc Khai, Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật, Hội VHNT tỉnh chia sẻ: “Hằng năm, căn cứ vào kế hoạch chung của Hội, chúng tôi đều được đi thực tế sáng tác ở các địa phương trong và ngoài tỉnh. Ngoài việc tìm cho mình chất xúc tác mới, chúng tôi có thể học hỏi nhiều hơn qua việc lắng nghe ý kiến từ đồng nghiệp của mình”.
Gặt hái thành công
Đổi mới trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật, nhiệm kỳ 2017-2022, Chi hội Mỹ thuật gặt hái nhiều thành công. Trong nhiệm kỳ, chi hội đã có 99 tác phẩm mỹ thuật của hội viên được chọn treo tại các cuộc triển lãm mỹ thuật khu vực VII – Đông Nam Bộ. Trong đó, có 6 tác phẩm đạt giải, 19 tác phẩm được giới thiệu để xét giải thưởng Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam.
Tương tự, chuyên ngành Nhiếp ảnh đã gặt hái nhiều thành tựu với nhiều tác phẩm được chọn trưng bày tại các liên hoan, cuộc thi ảnh nghệ thuật cấp khu vực, quốc gia và quốc tế. Năm 2022, NSNA Ngô Minh Phương đã dành Cúp Vapa – đây là giải thưởng cao nhất của Hội NSNA Việt Nam và nhiều huy chương vàng, bằng danh dự tại các cuộc thi ảnh quốc tế.
Không riêng lĩnh vực Mỹ thuật và Nhiếp ảnh, theo ông Đặng Văn Dung, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, với sự năng động, sáng tạo trong tổ chức, hoạt động VHNT của tỉnh có nhiều khởi sắc. Các chi hội trực thuộc hoạt động hiệu quả, theo đúng đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng. Số lượng tác phẩm giành giải thưởng tại các hội thi, hội diễn, liên hoan khu vực đã tăng lên đáng kể.
Thời gian tới, Hội tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, chủ động, phối hợp tham mưu, đề xuất cấp ủy, chính quyền các cấp tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ sáng tác, nghiên cứu, phê bình VHNT phát huy khả năng sáng tạo các tác phẩm, công trình VHNT có giá trị về nghệ thuật, nội dung, góp phần bồi đắp tư tưởng, thẩm mỹ của người dân…