Không khỏi thắc mắc trước những tài khoản lạ kết bạn, nhưng nhiều người vẫn “accept” (chấp nhận kết bạn) vì hình ảnh đại diện xinh đẹp, cuốn hút và những bài đăng thú vị gây tò mò.
‘Gái xinh’ kết bạn, tiền mất tật mang
Việt Hoàng (Hà Nội) sở hữu tài khoản Facebook bình thường nhưng bỗng một ngày có nhiều tài khoản lạ gửi lời mời kết bạn với anh. Trong đó, phần đông là những cái tên nghe rất “kêu” và sử dụng ảnh đại diện là những cô gái xinh đẹp, thậm chí có phần hở hang.
Ban đầu, Hoàng cho biết anh nghi ngờ những tài khoản này là “ảo” nhưng sau đó vào kiểm tra ngẫu nhiên một số thì thấy có kết bạn rất nhiều, có bài đăng và tương tác nên dù không rõ là ai ngoài đời thực, anh vẫn đồng ý kết bạn.
Giống như Việt Hoàng, nhiều người dùng mạng xã hội Facebook tại Việt Nam cho biết thỉnh thoảng nhận được lời mời kết bạn hoặc tin nhắn hỏi thăm rất chu đáo từ các tài khoản lạ sử dụng hình ảnh cô gái trẻ, đẹp. “Bỗng nhiên chiều tối có người lạ nhắn hỏi tôi về nhà chưa, sau khi phản hồi thì trò chuyện thêm vài ba thông tin khác như quen biết ngoài đời, dù tôi chẳng rõ đấy là ai nên rất dè chừng khi trao đổi”, Tuấn Anh – một nhân viên văn phòng tại Đống Đa (Hà Nội) cho biết.
Không chỉ hỏi thăm dù xa lạ, nhiều kẻ lừa đảo còn tiếp cận nạn nhân bằng cách giả vờ có sự nhầm lẫn rồi trò chuyện, kết thân hòng tạo niềm tin. Theo đó, những tài khoản này bắt chuyện, chào hỏi ngắn gọn như “Chào anh”, “Hi anh” hay gửi những biểu tượng cảm xúc.
Sau khi nhận được phản hồi từ con mồi sẽ đưa ra thông tin có tính thăm dò như hỏi nơi đang sinh sống, tiếp đến sẽ giả vờ từng gặp tại một sự kiện cụ thể ở địa phương (ví dụ đám cưới, tiệc sinh nhật…).
Khi bị phủ nhận sẽ chuyển sang xin lỗi vì “nhầm” để từ đó chuyển hướng câu chuyện sang đề tài khác nhằm kéo dài câu chuyện. Khi thấy những chủ tài khoản “sexy”, xinh gái hỏi thăm và bắt chuyện, không ít nạn nhân mất cảnh giác mà sập chiếc bẫy tinh vi sẽ được giăng ra sau đó.
Mới đây, tại Đà Nẵng, đối tượng Châu Hoàng Khang dùng tài khoản mạng xã hội giả cô gái xinh đẹp trong nhóm “phụ nữ đơn thân”, nói chuyện yêu đương với người đàn ông rồi dụ chuyển tiền.
Tại cơ quan công an, Khang khai hồi tháng 6 đã qua Campuchia làm việc cho một công ty chuyên hoạt động lừa đảo trên mạng (không rõ tên, địa chỉ). Công ty đưa cho Khang 2 tài khoản Facebook và Zalo cùng tên Nguyễn Thị Kiều Trang để thực hiện hành vi.
Tháng 10/2023, Khang dùng nick ảo Kiều Trang có ảnh đại diện là cô gái xinh đẹp làm quen với anh Huy trong nhóm “phụ nữ đơn thân” trên mạng xã hội. Sau một thời gian ngắn thân thiết, Kiều Trang tâm sự yêu đương và lôi kéo anh Huy tham gia đầu tư kinh doanh. Sau khi nhận tiền của nạn nhân bằng nhiều tài khoản ngân hàng, Khang cắt liên lạc. Đến tháng 11/2023, Khang bị bắt.
Những kẻ như Khang không hiếm. Các cơ quan chức năng đã vào cuộc và liên tục tiến hành các cuộc điều tra cũng như bắt giữ những kẻ mạo danh trên Facebook để lừa đảo.
Mua chuộc lòng thương
Điểm chung nhất của những tài khoản này là việc dùng hình ảnh “bắt mắt”, đặt tên phụ nữ nghe sang trọng. Chủ tài khoản thường xuyên thay đổi ảnh đại diện, có thể là của cùng một người và đa phần là hình selfie hoặc chụp riêng lẻ, hiếm trường hợp có đăng hình kèm người khác.
Ở những bài đăng của họ luôn để dạng công khai (Public) nhưng dù có số lượng bạn bè rất đông, lượt tương tác lại vô cùng thấp – một điểm bất thường đối với tài khoản Facebook thực. Đa phần bình luận ở những bức ảnh này là tài khoản của nam giới khen nhân vật trong ảnh xinh đẹp, thả tim, đôi khi để lại những lời phản cảm nhưng tất cả đều không có sự phản hồi.
Như trường hợp của đối tượng Nguyễn Văn Hiếu ở Hà Tĩnh lập nhiều Facbook ảo, đăng hình đại diện là phụ nữ xinh đẹp, kết bạn và nhắn tin với nhiều đàn ông. Khi tiếp cận, Hiếu nói gia đình đang gặp khó khăn về kinh tế, muốn vay tiền để hỗ trợ. Tin vào những lời “kể khổ”, hai người đàn ông đã chuyển cho Hiếu hơn 60 triệu đồng, một điện thoại trị giá hơn 4 triệu đồng. Nhận tiền, Hiếu cắt đứt liên lạc với các nạn nhân, không trả lại tiền và tài sản như đã hứa. Hiếu bị bắt hồi tháng 7/2022 vì hành vi của mình.
Theo một chuyên gia công nghệ, những dấu hiệu trên cho thấy các tài khoản đã nêu đều là “ảo”, được tạo ra cho một mục đích nào đó như “nuôi bot” (tài khoản tự động phục vụ cho các công cụ tăng tương tác, lượt theo dõi, “thả” bình luận chèn link rác…) hay các hình thức lừa đảo (đóng giả người khác, tạo niềm tin để lừa tiền hay dẫn dắt vào các bẫy lừa đảo trực tuyến…).
“Dùng nick ảo trên mạng xã hội không phải hình thức mới, nhưng với sự trợ giúp của các công cụ tự động ngày càng phát triển thì chúng có thể chủ động tìm và gửi kết bạn tới những người xa lạ để tiếp cận được nhiều ‘con mồi’ hơn, mở rộng phạm vi và cơ hội tấn công“, vị chuyên gia phân tích.
Còn theo ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc Công nghệ của công ty cổ phần An ninh mạng quốc gia (NCS), việc sử dụng nick ảo để kết bạn là bước đi đầu tiên trong một chuỗi hành động mà các đối tượng lừa đảo sẽ thực hiện. Ông giải thích: “Thông thường, đối tượng sẽ tìm cách kết bạn với ‘con mồi’, sau khi kết bạn sẽ dẫn dắt nạn nhân vào các kịch bản lừa đảo như mời hợp tác, đầu tư với lãi xuất khủng, mời tham gia việc nhẹ lương cao, thậm chí là lừa tình cảm“.
Người đứng đầu mảng bảo mật của NCS cũng đồng tình phương thức chung của chiêu trò này là các đối tượng sử dụng nick ảo có avatar (hình đại diện) thể hiện là các cô gái xinh đẹp, quyến rũ hoặc các doanh nhân thành đạt, giàu có… để dễ chiếm được tình cảm, lòng tin của nạn nhân.
Cách nhận biết lừa đảo
Cách nhận biết dễ nhất chính là việc những tài khoản mạng xã hội có hình đại diện xinh đẹp, gợi cảm, không có địa điểm ‘check in’ cụ thể nào, cũng không có bạn bè tương tác. Những tài khoản không có bạn chung nhiều cũng cần được tìm hiểu kỹ càng trước khi kết bạn và trao gửi niềm tin, tâm sự.
Người dùng cũng nên cảnh giác với tài khoản của những người chưa từng gặp mặt hoặc không có thông tin rõ ràng, bài đăng trên trang cá nhân dạng chung chung, không cụ thể, thời gian hoạt động gần đây, không có những bài đăng cũ…
“Bên cạnh nick ảo, các đối tượng lừa đảo cũng có thể lập tài khoản giả mạo bằng cách sử dụng tên giống với tài khoản chính của một cá nhân, tổ chức thực tế, sau đó sử dụng lại các dữ liệu chính thức của họ như avatar, hình ảnh, bài viết…
Sau khi giả mạo một người, các đối tượng sẽ chat với bạn bè, người thân của họ để nhờ làm việc này, việc kia, thực chất cuối cùng là để lừa nạn nhân chuyển khoản vào tài khoản của các đối tượng lừa đảo đã chuẩn bị sẵn“, ông Vũ Ngọc Sơn cho biết.
Theo các chuyên gia, để tránh lừa đảo trên không gian mạng, người dùng cần không ngừng nâng cao cảnh giác, không vội tin ngay khi nhận được tin nhắn hay lời mời kết bạn từ người khác, cần xác minh lại bằng kênh độc lập như gọi điện thoại hoặc gặp trực tiếp trong trường hợp biết thông tin của người đứng tên ở tài khoản mạng xã hội.
Mục đích cuối cùng vào cao nhất của những kẻ lừa đảo trên mạng xã hội là chiếm đoạt tài sản của các nạn nhân. Vì thế, trong bất cứ trường hợp nào, khi chưa gặp mặt và tạo mối quan hệ thân thiết, người dùng Facebook đặc biệt không dễ dãi chuyển tiền cho đối tượng.
Người dùng không chuyển tiền hoặc gửi mã OTP cho người lạ và nên thường xuyên cập nhật thông tin về các hình thức lừa đảo trên không gian mạng để nhận diện và phòng tránh lừa đảo bởi hiện nay, các chiêu trò, kịch bản của kẻ gian liên tục thay đổi, không ngừng trở nên tinh vi hơn.
Khánh Linh