Kinh tế Đức đã rơi vào suy thoái kể từ đầu năm nay. Một loạt khảo sát cho thấy, cả doanh nghiệp và người tiêu dùng nước này đều hoài nghi về tương lai nền kinh tế đầu tàu của Liên minh châu Âu (EU).
Trong hơn 150 năm qua, Tập đoàn hóa chất khổng lồ BASF đã trở thành một trụ cột của nền kinh tế Đức, là ví dụ tiêu biểu cho nền tảng phát triển công nghiệp để từ đó, cụm từ “made in Germany” trở thành niềm tự hào cho mọi sản phẩm có xuất xứ từ Đức. Vậy nhưng, bước đột phá mới nhất của tập đoàn này-khoản đầu tư trị giá 10 tỷ USD vào một khu phức hợp hiện đại được coi là “tiêu chuẩn vàng” cho sản xuất bền vững-sẽ không được tiến hành ở Đức, mà là tại Trung Quốc.
BASF đang thu hẹp quy mô sản xuất ở quê nhà. Đầu năm nay, tập đoàn thông báo đóng cửa một loạt nhà máy sản xuất phân bón tại Đức, cắt giảm 2.600 việc làm. Không chỉ BASF, một cuộc khảo sát với 128 doanh nghiệp sản xuất ô tô của Đức cho thấy, không doanh nghiệp nào có kế hoạch tăng đầu tư vào thị trường nội địa. Một phần tư trong số này có kế hoạch chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài. “Chảy máu” vốn đầu tư kéo theo suy thoái việc làm là hai trong số những vấn đề đang tác động tiêu cực đến kinh tế Đức hiện nay, trang tin Politico nhận định.
Gần 20 năm trước, chính sách cải cách thị trường lao động đầy tham vọng đã giúp Đức giải phóng tiềm năng công nghiệp và mở ra một thời kỳ phát triển thịnh vượng, đặc biệt là khi thế giới bùng nổ nhu cầu mạnh mẽ đối với máy móc và ô tô, thế mạnh của ngành sản xuất công nghiệp Đức.
Một xưởng sản xuất ô tô của Tập đoàn Mercedes-Benz tại Sindelfingen, Đức. Ảnh: Automotive News Europe |
“Cực thịnh tất suy”, gã khổng lồ của EU nay dường như cũng không tránh được quy luật đó. Đối mặt với một loạt bài toán nan giải, gồm chi phí năng lượng cao, khủng hoảng nhân lực, thủ tục hành chính rườm rà…, một số tập đoàn lớn của Đức như Volkswagen, Mercedes-Benz, Siemens cùng hàng loạt doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn dường như đang thức tỉnh để rồi chuyển hướng tới những thị trường hứa hẹn hơn ở Bắc Mỹ và châu Á. Nếu tháng 6 hằng năm thường là thời điểm các doanh nghiệp đẩy mạnh tuyển dụng, thì năm 2023, đây lại là thời điểm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp ở Đức với 200.000 việc làm bị sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Sức khỏe nền kinh tế Đức mang dấu hiệu tiêu cực khi lượng đơn đặt hàng tại các doanh nghiệp xây dựng, hóa chất, máy móc, ô tô… cũng sụt giảm rõ rệt.
Tham chiếu vào thực tại, những mũi nhọn sản xuất công nghiệp của Đức, từ hóa chất đến linh kiện máy móc, ô tô đều bắt nguồn từ các công nghệ của thế kỷ 19. Mặc dù quốc gia này đã phát triển thịnh vượng trong nhiều thập kỷ bằng cách tối ưu hóa sản phẩm, song rất nhiều trong số đó đã trở nên lỗi thời hoặc đơn giản là quá đắt để sản xuất tại Đức.
Điều đáng nói ở đây là, khi gã khổng lồ Đức “sổ mũi hắt hơi”, EU có thể “đổ bệnh”. Không chỉ là nền kinh tế lớn nhất châu Âu, Đức còn đóng vai trò như bánh xe trung tâm của cỗ máy EU, giúp liên kết các nền kinh tế đa dạng trong khối với tư cách là đối tác thương mại và nhà đầu tư lớn nhất đối với nhiều nền kinh tế thành viên EU.
Trong 3 thập kỷ qua, ngành công nghiệp Đức đã biến Trung Âu thành công xưởng của mình. Porsche sản xuất chiếc SUV Cayenne bán chạy nhất của mình ở Slovakia, Audi sản xuất động cơ ở Hungary từ đầu thập niên 1990 và Miele sản xuất máy giặt ở Ba Lan. Hàng nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ-xương sống của nền kinh tế Đức-đang hoạt động trong khu vực và sản xuất chủ yếu cho thị trường EU. Một khi các doanh nghiệp Đức rơi vào suy thoái, chắc chắn chúng sẽ kéo theo phần còn lại của EU.
Công thức khiến Đức trở thành cường quốc công nghiệp của châu Âu, gồm lực lượng lao động có tay nghề cao và các công ty khởi nghiệp được hỗ trợ bởi nhiên liệu giá rẻ nhập khẩu từ Nga, đã không còn nữa. Trong 15 năm tới, khoảng 30% lực lượng lao động của Đức sẽ đến tuổi nghỉ hưu. Nước Đức đang tiến nhanh tới cuộc khủng hoảng nhân khẩu học, mà hệ quả là doanh nghiệp Đức không còn các kỹ sư, nhà khoa học và những công nhân tay nghề cao để giúp duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Trong khi đó, giới trẻ nước này có xu hướng tìm kiếm những công việc an toàn, ổn định, thay vì dám tư duy bứt phá để khởi nghiệp. Nỗ lực bù đắp sự thiếu hụt lao động thông qua chính sách nhập cư cởi mở cho đến nay đã thất bại khi hầu hết người di cư không phải là lao động tay nghề cao để có thể đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.
Ngành công nghiệp ô tô, niềm tự hào của nước Đức, nay trở thành gót chân Achilles làm lộ ra những thiếu sót về tầm nhìn chiến lược. 15 năm qua, khi Mercedes-Benz, BMW và Volkswagen từ chối loại bỏ động cơ đốt trong, thì cơ hội đã được trao lại cho Tesla của tỷ phú Mỹ Elon Musk, cũng như cho ngành sản xuất xe điện của Trung Quốc.
Đối mặt với những khó khăn, thách thức bủa vây, gã khổng lồ EU sẽ hóa giải bằng cách nào? Câu trả lời đến giờ còn bỏ ngỏ.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/quoc-te/binh-luan/ga-khong-lo-om-yeu-736423