Vốn là người quảng giao và có quen biết khá rộng trong giới nhạc, tài tử Kim Dung rủ tôi tới nơi chị và ca sĩ Y Jack Arul cùng ban nhạc chuẩn bị diễn. Lâu lắm anh chàng này mới ra khỏi buôn về phố Hà Nội.
Ca sĩ Y Jack Arul. |
Vốn mê giọng hát đầy chất lửa hoang dại từ ca khúc Đi tìm lời ru Mặt trời (Y Phon Ksor), đến chất giọng đam mê hút hồn với ca khúc Chuyện tình trên cao nguyên (Trần Tiến) đoạt giải Vàng cuộc thi giọng hát ASEAN… nên tôi nhận lời ngay.
Chất mộc của người Ê Đê
Thật bất ngờ vì chẳng chuẩn bị trước, tôi lại được nghe tiếng hát quen thuộc, vẫn giọng ca chất lửa hoang dại từ cao nguyên đại ngàn mênh mang đó giờ đang da diết trong Còn ai với ai (Trịnh Công Sơn)… Với chiếc mũ phớt rộng vành, chàng trai Ê Đê ấy mang sự mộc mạc và đằm thắm, chạm đến mọi trái tim của những nghệ sĩ Hà Nội có mặt tại đêm diễn của anh và các bạn. Đêm Hà Nội như tĩnh lặng hơn để nghe trọn tiếng hát của chàng trai đại ngàn Tây Nguyên.
Dứt câu ca của Trịnh Công Sơn, buông cây đàn guitar giọng anh xa xăm: “Hát bài này của anh Sơn càng nhớ anh. Những tác phẩm của anh Trịnh Công Sơn như là những bức tranh họa chính cuộc đời Y Jack vậy. Anh Sơn hiền lắm! Lúc anh ốm, anh gầy lắm, cứ ngồi trên cái đệm dầy, chúng tôi ngồi bóp tay, bóp chân cho nhau”.
Ít người biết ca sĩ Y Jack Arul và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là anh em thân thiết, có cùng sinh nhật và từng tổ chức tiệc sinh nhật chung hai lần. Y Jack Arul hồi tưởng: “Anh Sơn coi tôi là “người em tinh thần của anh”. Anh ấy bao giờ cũng xưng tên, rất đỗi gần gũi: “Anh Sơn nói Y Jack này… Cứ thế, cứ vơi câu chuyện, chúng tôi lại đàn ca. Anh Sơn có một nơi để tụ tập anh em, để viết nhạc, để sáng tác hội họa… và ngồi uống rượu.
Đó là cái Phòng sáng tác. Ở đó có bức vách kính, với hệ thống nước chảy tạo mưa nên cảm giác lúc nào cũng có tiếng tí tách mưa rơi. Trong phòng có một cái chuông. Hết bia thì rung kiểu này, hết đá thì rung kiểu kia. Anh Sơn nói anh không muốn sai người giúp việc làm cái này, cái kia mà chỉ cần rung chuông theo nhịp điệu riêng là biết, dùng tiếng nhạc để thay lời nói. Vì anh xem trọng mọi người lắm, chỉ cần rung cái chuông mà không cần sai, hay nói gì”.
Câu chuyện đầy vơi, tôi mới biết Y Jack Arul chính là con trai của già làng huyền thoại Ama H’rin, đã vượt thảo nguyên M’Đrắk đi tìm “miền đất hứa” và xây dựng nên buôn A’ko Hdông – một buôn làng kiểu mẫu của người Ê Đê ở Buôn Ma Thuột. Đây cũng là ngôi làng xuất hiện trong tập bút ký Bằng đôi chân trần của nhà văn Nguyên Ngọc, tôi rất thích. Có lẽ được thừa hưởng sự mạnh mẽ của cha, sự bao la hùng vĩ của đại ngàn mà tiếng hát của anh mạnh mẽ và mênh mông đến thế.
Y Jack Arul chia sẻ: “Suốt giai đoạn Covid-19, tôi ở buôn và chỉ bảo cho con cháu hát. Giới trẻ bây giờ hát nhiều bài rồi còn tự sáng tác trên máy tính thành thạo… nhưng mà sao cái giai điệu KUT – giai điệu dân ca của dân tộc Ê Đê mình thì chúng hát không ra nổi chất. KUT là phải kể, phải hát mộc, chân thật… mà giờ ít đứa hát được. Thế nên mình cứ loanh quanh ở buôn từ hồi đó. Sau Covid, tôi giao lại việc cho em rể Y Neon”.
Thì ra cái chất trong giọng ca chúng tôi vừa nghe anh hát, đầy sâu đậm và mộc mạc đó chính là chất KUT của người dân tộc Ê Đê – cái chất mộc, chân thật, hát như kể của anh. Càng sâu lắng hơn khi chất KUT đó được thấm đẫm những thăng trầm cuộc sống của người con trai của trưởng bản huyền thoại, sinh ra giữa bom rơi đạn lạc, lớn lên giữa cái lạnh giá của rừng già và đấm ấm của những tiếng cười bên miếng khoai, củ sắn.
Cái chất KUT mà giờ đây anh băn khoăn lo ngại riêng cho giới trẻ hát trong buôn, chúng hát như nhiều ca sĩ thị trường “hời hợt và không có chất”.
Ca sỹ Y Jack Arul ngồi giữa, chụp ảnh kỷ niệm cùng tài tử Kimh Dung và bang nhạc tại Hà Nội. (Ảnh: MH) |
Chất nội trong hơi thở ngoại
Cũng đã hơn một lần tôi gặp anh tại những đêm nhạc của các nhạc sĩ nổi tiếng, nhưng tôi thường không theo kịp anh. Giờ tôi mới biết, anh cứ thấy báo chí là lảng, trừ lần này ra Hà Nội, tôi đã đến quá gần để anh có thể rời đi.
Giọng anh nhẹ nhàng, trầm ấm: “Vậy cô gái Hà Nội ở Báo nào, cần hỏi gì? Báo của Bộ Ngoại giao à? Tôi còn nhớ lần thi tiếng hát ASEAN ở Hà Nội, ngày đó hát hai bài: Mơ về nơi xa lắm (Phú Quang) và Chuyện tình thảo nguyên (Trần Tiến). Có 10 nước tham gia, nhưng đến giờ tôi vẫn rất nhớ những bài hát dân ca của Lào, Campuchia rất hay, đặc biệt là bài dân ca của Philippnes hát tuyệt lắm. Giọng nữ ca sĩ rất đẹp, giai điệu du dương đến lạ kỳ…”.
Lần ra Bắc này, Y Jack Arul vừa thăm bạn bè, họ hàng vừa gặp người em – nhạc sĩ Lê Minh Sơn để lại bàn về album đầu tiên. “Trước Covid, chúng tôi đã sắp hoàn thành rồi, nhưng dịch bệnh khiến dự án đó tạm dừng. Lần này tôi ra Hà Nội để tiếp tục. Non nửa đời ca hát, nhiều người bảo tôi làm album như tôi chưa thấy đủ “chín”.
Lần này thực chất là album của tình anh em, gồm 14 bài của tôi và ba anh em: Anh Trịnh Công Sơn, Trần Tiến và em Lê Minh Sơn. Tôi là đứa em tinh thần của anh Sơn, anh Trần Tiến thì cùng nhau “Du ca” một đời và em Lê Minh Sơn từng sáng tác Voi không đuôi như là người của buôn… nói lên nỗi lòng của tôi, của buôn – nói về vấn đề môi trường, không riêng Việt Nam mà cả thế giới rất quan tâm. Tôi cũng đã hát trong đêm nhạc của em ấy”…
“Chúng tôi đã chọn ra được 14 bài thích hợp, mang hơi hướng hát tâm sự nhiều hơn, cuộc đời thế nào thì các tác phẩm của ba anh em bộc bạch như vậy. Anh em chúng tôi mong muốn làm được một album để đời, ra được cái chất của người Ê Đê và của ba anh em nữa”, ca sĩ Y Jack Arul chia sẻ.
Cũng như bao người hâm mộ mình, Y Jack Arul đã chờ gần nửa đời ca hát mới cảm thấy mình đến độ chín để ra được một cuốn album. Anh kỳ vọng sẽ mang đến những bài hát đầy chất KUT, sự mộc mạc, hơi thở tự sự và tiếng lòng của đồng bào dân tộc Ê Đê và nhuộm chất đời, chất thơ đồng tâm hồn anh em.
Nhìn tôi, anh cười và cảm hứng: “Đặc biệt, trong đó, bài Voi không đuôi của Lê Minh Sơn có tính thời đại, có thể sẽ được chuyển thể sang tiếng Anh để mọi người trong và ngoài nước cũng có thể cất tiếng hát bảo vệ môi trường”.
Chia tay Y Jack Arul, dành lại không gian nghệ thuật và thời gian để anh hoàn thiện dự án của mình, tôi vô cùng xúc động với những chia sẻ của anh. Cũng giống như sự hiếm hoi của chất KUT trong các giọng hát ở buôn làng Ê Đê của anh, cái cách mà Y Jack Arul làm nhạc cũng rất riêng và đầy trách nhiệm. Không chạy theo một điều gì, cứ từ từ, chậm rãi, rồi sẽ đến và đến một cách thuyết phục. Tôi tin những kỳ vọng của anh sẽ thực sự thành hiện thực trong một ngày không còn xa.
Ca sĩ Y Jack Arul từng theo nghệ sĩ Y Moan đi hát khắp các buôn làng. Năm 1994, anh gia nhập Đoàn Ca múa nhạc Đắk Lắk, trở thành một trong những giọng ca trụ cột của đoàn – dù chưa từng qua trường lớp thanh nhạc khi ấy. Đến năm 1996, Y Jack Arul được gửi đi học ở Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh (hệ trung cấp thanh nhạc). Anh vừa học vừa hát rồi về đầu quân cho Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP. Hồ Chí Minh. Năm 1997, Y Jack khăn gói đi thi Liên hoan Tiếng hát Truyền hình toàn quốc. Sau khi đoạt giải Nhất khu vực miền Trung – Tây Nguyên, anh tham gia vòng thi toàn quốc và giành giải Ba. Từ đó, khán giả cả nước biết đến Y Jack như một giọng ca mới của Tây Nguyên. Năm 1998, Y Jack được chọn đi thi Liên hoan Giọng hát vàng Hà Nội – ASEAN và giành giải Vàng. |