Trong tư cách là chủ tịch đương nhiệm luân phiên của nhóm G7 và chủ nhà tổ chức sự kiện, Thủ tướng Ý Giorgia Meloni kiên định quan điểm khiến cả khối không lặp lại được nội dung quan điểm chung về chủ đề này đã được thể hiện trong tuyên bố chung hồi năm ngoái.
Bà Meloni thừa biết rằng làm như vậy khiến nội bộ nhóm bị phân rẽ sâu sắc và bản thân nhóm G7 bị sa sút uy danh trong dư luận thế giới. Nhưng bước lùi này lại được bà Meloni chủ định ngay từ đầu. Ngay từ trước khi cuộc gặp diễn ra, bà Meloni đã chủ ý chấp nhận để cho nhóm phải trả giá đắt nhằm có được một tiền lệ có thể bù đắp lại uy danh và ảnh hưởng cho nhóm.
Tiền lệ liên quan này là mời Giáo hoàng Francis tham dự cuộc gặp cấp cao của nhóm G7. Giáo hoàng là người đứng đầu Tòa thánh Vatican đầu tiên tham dự một cuộc gặp cấp cao của nhóm G7. Ước tính trên thế giới hiện tại có khoảng 1,3 tỉ người theo Cơ đốc giáo. Bà Meloni dùng việc mời Giáo hoàng Francis tham dự sự kiện để nhằm vươn tới cộng đồng đông đảo con chiên của Nhà thờ cơ đốc giáo. Bản thân bà Meloni vốn đã có quan điểm cấm phá thai và nếu muốn Giáo hoàng Francis hiện diện ở cuộc gặp cấp cao của nhóm G7 thì lại càng không thể để cho nhóm này thể hiện sự ủng hộ phụ nữ có quyền quyết định về phá thai.
Có thể thấy bà Meloni muốn có tiền lệ mới kia hơn là củng cố sự đồng thuận quan điểm trong nội bộ nhóm G7. Điều này rất lợi cho bà Meloni ở Ý nhưng không hẳn vậy cho nhóm G7.
Nguồn: https://thanhnien.vn/g7-truoc-cai-gia-cua-tien-le-185240617212819813.htm