Bất đồng quan điểm giữa các thành viên về các vấn đề chính trị thời sự của thế giới và về chương trình nghị sự chung của cả khuôn khổ diễn đàn cho tương lai chắc chắn sẽ khiến cho Brazil, trong tư cách là chủ tịch luân phiên đương nhiệm của G20, rất khó thành công với trọng trách này.
Biểu hiện ra bên ngoài, sự bất đồng quan điểm chính giữa các nhóm thành viên xoay quanh cuộc xung đột ở Ukraine, về vị trí và vai trò của Nga trong nhóm G20, về quan hệ của nhóm G20 và của từng thành viên với Nga. Thêm vào đấy, xung đột Hamas – Israel cũng là vấn đề gây phân rẽ. Cuộc xung đột này trở nên đặc biệt nhạy cảm về chính trị thế giới và quan hệ quốc tế sau khi Nam Phi đưa Israel ra Tòa án Công lý quốc tế. Tiếp đó, đích thân Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva, hiện đồng thời là Chủ tịch G20, cho rằng cách thức Israel hành động ở dải Gaza tương tự với phát xít Đức diệt chủng người Do Thái ở châu Âu hồi đầu thế kỷ trước.
Trong 2 năm vừa qua, khi Indonesia và Ấn Độ đảm trách cương vị chủ tịch luân phiên của G20, nhóm các thành viên G20 thuộc phương Tây và thân phương Tây tìm mọi cách để biến cả G20 thành diễn đàn chống Nga. Bây giờ, phe này nỗ lực để ông Luiz Inácio Lula da Silva không định hướng cho G20 tập trung nhiều vào chiến sự ở Dải Gaza mà bớt đi vấn đề xung đột ở Ukraine. Vì thế, G20 khó có được sự đồng thuận nội bộ để tăng cường và phát huy được vai trò chính trị thế giới. Dù vậy, ông Luiz Inácio Lula da Silva vẫn được đề cao vai trò và ảnh hưởng của các thành viên thuộc khối “phương Nam bán cầu” trong G20.