Tối 30/7, phần thi trình diễn trang phục văn hóa dân tộc (National Costume) thuộc khuôn khổ cuộc thi Miss Grand Vietnam 2024 đã diễn ra tại TP Phan Thiết (Bình Thuận) với nhiều thiết kế gây ấn tượng.
Theo đạo diễn Hoàng Nhật Nam, đây là lần đầu tiên đêm thi trang phục văn hóa dân tộc được trình diễn cạnh bờ biển. Với sân khấu ngoài trời, đạo diễn thừa nhận phải đối mặt nhiều thách thức về mặt thời tiết, nhưng đổi lại đêm diễn có lợi thế về mặt diện tích.
Bốn nhà thiết kế đảm nhận vai trò huấn luyện viên (HLV) cho phần thi trang phục văn hóa dân tộc là Nguyễn Việt Hùng, Vũ Lan Anh, Đặng Trọng Minh Châu và Nguyễn Minh Công. Nhiều thiết kế để lại ấn tượng bởi sự đầu tư công phu, trình diễn ấn tượng.
Nổi bật là tác phẩm “Thạch Long họa khắc” của tác giả Ngô Hải Đăng do người đẹp Lệ Nam trình diễn. Tác phẩm mượn hình ảnh làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân (tỉnh Ninh Bình) làm cảm hứng thiết kế. Trang phục gây ấn tượng với biểu tượng rồng bay lượn 3D tinh xảo.
Với tiết mục này, người đẹp Lệ Nam nhận được nhiều lời khen của khán giả bởi phong cách trình diễn hút hồn, ấn tượng qua từng động tác, ánh mắt.
Tác phẩm “Huyền sử Âu Lạc” của tác giả Nguyễn Quốc Đạt, được lấy cảm hứng từ truyền thuyết “Con Rồng cháu Tiên”. Trang phục được tạo hình với vòng xoay ấn tượng và đính kết cầu kỳ.
Tác phẩm “Thủy yên” của tác giả Châu Văn Phúc do Hoa hậu Lê Nguyễn Bảo Ngọc trình diễn, lấy cảm hứng từ hình tượng kìm nóc (hay còn gọi là tượng si vẫn, một linh vật trong nghệ thuật tạo hình của Việt Nam), đầu đao…
Trang phục được đính kết dày đặc các mảng kim tuyến màu cùng chất liệu kim sa lấp lánh. Với lợi thế về chiều cao, Hoa hậu Bảo Ngọc truyền tải trọn vẹn được vẻ đẹp tâm linh của thiết kế mang tính biểu tượng.
Tác phẩm “Trưng Vương” lấy cảm hứng từ hình ảnh Hai Bà Trưng của tác giả Nguyễn Huy Hoàng được người đẹp Bùi Lý Thiên Hương trình diễn. Trang phục gây chú ý với hình tượng voi ra trận có chiều cao 3m ấn tượng.
Tuy nhiên, phần trình diễn này gặp sự cố khi lấy cảm hứng thiết kế từ hình tượng Hai Bà Trưng nhưng lại sử dụng câu nói của Bà Triệu để thuyết trình. Ngay sau đó, Ban Tổ chức Miss Grand Vietnam đã lên tiếng xin lỗi khán giả, đồng thời thừa nhận có sự nhầm lẫn thông tin.
“Thiên hạc” của tác giả Lê Thị Kim Dung được Á hậu Ngọc Thảo trình diễn. Trang phục lấy hình ảnh chim Lạc trong văn hóa Đông Sơn làm điểm nhấn, đại diện cho con người chính trực, cùng khát vọng vươn lên, chinh phục ước mơ của người con đất Việt.
Thiết kế với tông màu chủ đạo là đen và trắng, làm nổi bật từng chi tiết mô phỏng kỹ thuật điêu khắc, đính kết cầu kỳ tạo hiệu ứng ấn tượng khi trình diễn.
“Lụa nàng Sen” của tác giả Bùi Công Thiên Bảo, được trình diễn bởi Hoa hậu Thanh Thủy. Thiết kế được làm từ lụa tơ sen của Việt Nam, một loại lụa quý hiếm và đắt đỏ. Hoa hậu Thanh Thủy thành công truyền tải thông điệp ngợi ca vẻ đẹp và sức sáng tạo của người nghệ nhân Việt.
“Tiếng vọng Tây Sơn” của tác giả Đồng Khang tôn vinh lòng yêu nước, kiên trung, tài sắc vẹn toàn của người phụ nữ xưa và là niềm tự hào của vùng đất võ Bình Định được người đẹp Hạnh Nguyên trình diễn ấn tượng.
“Lá phượng hoàng” của tác giả Nguyễn Đăng Khoa lấy cảm hứng từ hình ảnh chim phượng trong tứ linh, tôn vinh phẩm giá, đức hạnh cùng vẻ đẹp của người phụ nữ. Tác phẩm được thiết kế với phần cánh bắt mắt, với kỹ thuật 3D và chạm khắc, mạ vàng cầu kỳ, tinh xảo.
“Hoa trên chiến trận” của tác giả Nguyễn Minh Triết khắc họa hình ảnh nữ tướng Nguyễn Thị Bành. Trang phục tôn vinh hình ảnh nữ anh hùng kiên cường, bất khuất trong lịch sử dân tộc.
Với kinh nghiệm làm vũ công, người đẹp Thùy Dung trình diễn trang phục này đã kết hợp thêm những chuyển động cơ thể, mang đến những cảm xúc trọn vẹn.
“Mai” của tác giả Nguyễn Duy Hậu được lấy cảm hứng thiết kế từ hình ảnh hoa mai ngày Tết. Với hiệu ứng sân khấu lấp lánh, người đẹp Vũ Thị Thu Hiền trình diễn ấn tượng với màn rũ mai đầy bất ngờ.
Comment (0)