Tháng 5/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định giao cho các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế chỉ đạo thực hiện đầu tư các dự án “Xây dựng, nâng cấp cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá” và dự án “Phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản”.

Các dự án này sử dụng khoản tiền bồi thường 400 tỷ đồng sau sự cố môi trường biển của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh.

Tại Hà Tĩnh, tháng 9/2019, UBND tỉnh này ban hành quyết định, giao cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh làm chủ đầu tư để thực hiện các dự án xây dựng, nâng cấp cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá.

Trước đó, vào tháng 5/2019, Bộ Tài chính có văn bản, bố trí 400 tỷ đồng để tỉnh Hà Tĩnh thực hiện 4 dự án gồm Đầu tư xây dựng cảng cá Cửa Nhượng (Cẩm Xuyên) với số tiền 280 tỷ đồng; nạo vét và chỉnh trị tuyến luồng, cửa vào khu neo đậu tránh trú bão Cửa Hội – Xuân Phổ (Nghi Xuân) trị giá 20 tỷ đồng; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá tại khu neo đậu tránh trú bão Cửa Khẩu – Kỳ Hà (TX Kỳ Anh) với số tiền 40 tỷ đồng và dự án đầu tư xây dựng mở rộng cảng cá Thạch Kim (Lộc Hà) trị giá 60 tỷ đồng.

z5041932575225 bdd4abf5f3a03d388421b8e1735238b3 1 747.jpeg
Hiện mới có dự án Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá tại Khu neo đậu tránh, trú bão Cửa Khẩu – Kỳ Hà đi vào hoạt động. Ảnh: TL

Đến hết ngày 31/12/2020, các dự án phải hoàn thiện để đưa vào sử dụng.

Tuy nhiên, sau gần 5 năm, mới chỉ có dự án Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá tại Khu neo đậu tránh, trú bão Cửa Khẩu – Kỳ Hà hoàn thành, đi vào hoạt động vào tháng 6/2023.

Dự án nạo vét, chỉnh trị luồng cửa vào Khu neo đậu tránh, trú bão Cửa Hội – Xuân Phổ chỉ mới giải ngân 0,6 tỷ đồng để tạm ứng cho đơn vị tư vấn khảo sát, lập mô hình, lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Dự án đầu tư xây dựng mở rộng cảng cá Thạch Kim giải ngân được 1,858 tỷ đồng. Dự án đầu tư xây dựng cảng cá Cửa Nhượng chỉ mới thực hiện giá trị tương đương gần 8,6 tỷ đồng. UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ mới phân bổ 181,8 tỷ đồng cho các dự án.

Tháng 5/2021, Chính phủ ban hành quyết định gia hạn đến ngày 30/6/2022, 4 dự án của tỉnh Hà Tĩnh phải hoàn thành, đưa vào khai thác.

Đến nay, 3/4 dự án chậm tiến độ. Trong đó, dự án lớn nhất là xây dựng cảng cá Cửa Nhượng với tổng mức đầu tư 280 tỷ đồng đến tháng 12/2023 mới tiến hành lựa chọn nhà thầu.

z5041932579521-8070f963463376af02e566db69a29c3c-1.jpg
Khu neo đậu tránh, trú bão Cửa Khẩu – Kỳ Hà. Ảnh: TL

Trao đổi với PV VietNamNet, bà Nguyễn Thị Ánh, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh, cho biết, địa phương được bố trí 400 tỷ đồng từ tiền bồi thường sự cố Formosa để thực hiện 4 dự án. Đến nay mới chỉ có dự án Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá tại Khu neo đậu tránh, trú bão Cửa Khẩu – Kỳ Hà hoàn thành, còn lại 3 dự án đang chậm tiến độ.

“Dự án nạo vét và chỉnh trị tuyến luồng, cửa vào khu neo đậu tránh trú bão Cửa Hội – Xuân Phổ (Nghi Xuân) trị giá 20 tỷ đồng đang xin điều chỉnh. Với quy mô thực hiện 20 tỷ không thể đủ, nên chúng tôi đang khảo sát, xin điều chỉnh.

Hai dự án còn lại mới hoàn thành thiết kế. Khi thiết kế xong thì hết thời gian thực hiện, không có thời gian đấu thầu để thi công. Vừa rồi UBND tỉnh đã họp đánh giá nguyên nhân chậm tiến độ, phê bình, kiểm điểm cán bộ, báo cáo với Chính phủ, ban ngành và đề xuất cho gia hạn đến 31/12/2024″, bà Ánh nói.

Cũng theo bà Ánh, nguyên nhân khách quan do Dự án nâng cấp cảng cá phải thuê đơn vị tư vấn chuyên ngành ở Hà Nội, Hải Phòng… để khảo sát thiết kế, trong khi đó thời điểm dịch Covid-19 lại phong tỏa nhiều địa bàn nên gặp khó khăn về thời gian. Ngoài ra, giai đoạn khảo sát, phê duyệt dự án cần rất nhiều bước, mất thời gian nhiều nên phải thận trọng để dự án phát huy hiệu quả. 

“Nguyên nhân chủ quan do một số anh em chưa có giải pháp đẩy nhanh tiến độ, thời điểm dịch bệnh Covid-19 có những việc phải làm trực tuyến nhưng có những việc không thể làm trực tuyến dẫn đến chậm tiến độ, báo cáo muộn”, bà Ánh nói thêm.

Giám đốc Ban Quản lý dự án cho rằng, để đạt đúng tiến độ gia hạn vào cuối tháng 12/2024, cần rất nhiều cố gắng và nỗ lực.

“Việc chậm tiến độ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Việc này Hà Tĩnh cũng đã rút kinh nghiệm, kiểm điểm nghiêm túc và rút ra được những bài học. Thời gian tới chúng tối sẽ nỗ lực, cố gắng, có những giải pháp phù hợp để thực hiện các dự án theo đúng tiến độ”, bà Ánh nói.