Nếu như khoảng năm 2018, doanh thu của các phòng gym là chục tỉ, thậm chí hàng trăm tỉ đồng với “các ông lớn” ngành gym, hiện nay “trụ” được với thị trường, theo nhiều chuyên gia đánh giá là… rất khó.
Đua nhau đóng cửa
Không những Fit24, trước đó chuỗi phòng tập Getfit Gym & Yoga đã thông báo tạm thời đóng cửa các chuỗi trong tháng 9 vì công ty đang gặp khó khăn.
Kinh doanh phòng gym khó khăn, kêu gọi bỏ vốn vào loại hình này cũng không được các nhà đầu tư mặn mà.
Mới đây, trong chương trình truyền hình thực tế Shark Tank Việt Nam tập 10, một người Tây Ban Nha kêu gọi 500.000 USD cho 25% cổ phần để nhân rộng chuỗi gym tại Hệ thống phòng tập boutique fitness Hustle Việt Nam (Hustle) được thành lập năm 2019.
Mặc dù doanh thu của hệ thống rất ấn tượng, như cơ sở Thảo Điền (TP Thủ Đức) mới 3 năm tăng trưởng nhanh chóng, khoảng 20% một năm, hay cơ sở ở quận Gò Vấp tăng 60%/năm… nhưng đều nhận “mưa” lời từ chối của các nhà đầu tư.
Anh Nguyễn Thanh Hữu – vừa là huấn luyện viên cá nhân, vừa là chủ của hai phòng gym có cơ sở tại quận Phú Nhuận và Bình Thạnh (TP.HCM) – cho biết 2 năm qua, số lượng hội viên ở cơ sở của anh bắt đầu giảm sút.
“Giảm mạnh nhất là từ tháng 4 năm nay. Vì phòng gym tôi xây dựng đánh vào phân khúc thu nhập trung bình, cứ mùa hè rất đông người đi tập. Tuy nhiên, năm nay như tụt dốc không phanh. Có đồng môn của tôi khai trương tưng bừng đúng 3 tháng, và trong đêm âm thầm đóng cửa, trả mặt bằng”, anh Hữu nói.
Marathon, pickleball… vượt lên
Hiện nay ở Việt Nam, chiếm thị phần lớn là các thương hiệu cao cấp, còn các phòng tập bình dân chỉ giữ thị phần nhỏ. Dễ thấy những thương hiệu lớn như California Fitness & Yoga, Getfit Gym & Yoga, Elite Fitness hay Fit24. Một số thương hiệu này đã đạt doanh thu hàng trăm tỉ đồng mỗi năm.
Chi phí cho loại hình kinh doanh này không hề rẻ. Theo anh Hồ Thanh Vân (TP.HCM) – kiến trúc sư chuyên thiết kế và thi công nội thất shop, showroom, phòng tập gym…, chi phí một phòng tập bình dân đã có mức 500 triệu đồng cho diện tích mặt bằng khoảng 250-300m2.
“Còn phòng tập cao cấp, công thiết kế và tất cả mọi chi phí phải hơn 20 tỉ đồng. Vì cao cấp đòi hỏi không gian rộng, “bèo bèo” là 2.000-3.000m2, cộng với phí thuê mặt bằng và đầu tư thiết bị nhập khẩu. Thường những doanh nghiệp vững vàng mới đầu tư phân khúc này”, anh Vân nói.
Theo một chuyên gia kinh tế ở TP.HCM, kinh doanh phòng gym hiện rất khắt nghiệt, đìu hiu. “Kinh tế khó khăn, người dân cân nhắc chi tiêu. Chưa kể có sự cạnh tranh của các dịch vụ phòng tập riêng như all-in-one (tất cả dịch vụ trong một – PV), phòng tập riêng tư. Và các môn chi phí vừa túi tiền như marathon, pickleball đang thu hút sự quan tâm”, chuyên gia lý giải.
Nguồn: https://tuoitre.vn/fit24-dong-tat-ca-phong-gym-o-tp-hcm-kinh-doanh-phong-gym-de-dut-hoi-2024100518455897.htm