TPO – Tỉnh Đồng Nai đang thực hiện kế hoạch tổ chức Festival Gốm triển lãm, trưng bày, giới thiệu các sản phẩm gốm nghệ thuật có giá trị thẩm mỹ và tính ứng dụng cao của các nghệ nhân trong cả nước cũng như giới thiệu về gốm truyền thống Biên Hòa.
Ngày 10/3, thông tin từ UBND tỉnh Đồng Nai cho biết đang cùng với Sở Công Thương và một số sở, ban ngành, Hiệp hội Gốm – mỹ nghệ Đồng Nai rà soát tiến độ và bàn các phương án tổ chức Festival Gốm truyền thống Biên Hòa – Đồng Nai (Festival Gốm).
Các thợ gốm trang trí họa tiết cho sản phẩm gốm truyền thống Biên Hòa |
Festival Gốm sẽ triển lãm, trưng bày, giới thiệu các sản phẩm gốm nghệ thuật đặc sắc có giá trị thẩm mỹ và tính ứng dụng cao của các nghệ nhân trong cả nước. Đây là dịp để đánh giá những thành tựu, thuận lợi cũng như khó khăn của ngành gốm, đồng thời liên kết các nghệ nhân gốm truyền thống, các làng nghề, nhằm thúc đẩy sự phát triển làng nghề gốm trong thời đại kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế.
Đây cũng là dịp để người yêu nghệ thuật gốm truyền thống Biên Hòa – Đồng Nai nói riêng và gốm truyền thống Việt Nam nói chung tiếp cận và thưởng thức những tác phẩm gốm nghệ thuật.
Gốm Biên Hòa có truyền thống hơn 300 năm và nổi tiếng với nghề gốm thủ công. Gốm Biên Hòa được tạo nên từ nguyên liệu chính là đất sét. Gốm có 2 loại chính là gốm đất đen và gốm đất trắng (gốm trắng). Trong đó, gốm đất đen thường được nung tự nhiên, không phủ men. Gốm đất trắng thường dùng trang trí, phủ men tạo hình hoa văn trang trí khá công phu.
Chiếc dĩa gốm sứ Biên Hòa được nhận bằng xác nhận kỷ lục của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam |
Ngày nay, gốm trắng Biên Hòa có thể nung bằng lò truyền thống hoặc lò gas hiện đại. Riêng sản phẩm gốm đất đen thì bắt buộc phải nung gốm trong lò truyền thống bằng củi. Gốm truyền thống Biên Hòa ban đầu được sản xuất nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong đời sống người dân như: bình, lu, hũ… Hiện nghề làm gốm truyền thống không còn nhiều, nhu cầu sử dụng chính là trang trí. Sản phẩm gốm Biên Hòa, đặc biệt là gốm đất đen ngày nay thường cung cấp cho thị trường miền Trung và miền Bắc hoặc xuất khẩu sang các nước châu Âu, châu Mỹ.
Đồng Nai cũng là địa phương duy nhất của Việt Nam có trường cao đẳng chuyên đào tạo ra các thợ gốm khắp cả nước.