Ngân hàng trung ương Mỹ đã đi đến quyết định cuối cùng sau cuộc họp kéo dài 2 ngày. Theo đó, Fed vẫn tăng lãi suất bất chấp khủng hoảng ngành ngân hàng và nguy cơ suy thoái.
Ngày 3/5, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định tăng lãi suất điều hành 0,25 điểm phần trăm giống với dự báo của đa số nhà đầu tư.
Ngay sau quyết định của Fed, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones có thêm 3,91 điểm, tương đương 0,01%. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq tăng lần lượt 7,28 điểm (+0,23%) và 50,26 điểm (+0,42%).
Trước đó, các thị trường gần như chắc chắn rằng Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) – cơ quan hoạch định chính sách của Fed – sẽ nhất trí tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm, đánh dấu lần tăng lãi suất thứ 10 kể từ tháng 3/2022, đưa lãi suất điều hành của Mỹ lên vùng 5-5,25%.
Tính đến ngày 3/5, theo dữ liệu của công cụ CME FedWatch, các thị trường đã định giá khả năng Fed tiếp tục tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 5 là 88,2%, tăng vọt từ mức 72,2% của một tuần trước đó.
Trong khi đó, khả năng Fed giữ nguyên lãi suất theo định giá của thị trường chỉ là 11,8%.
Giống với dự báo
Đối với các nhà đầu tư, câu hỏi đặt ra là Fed sẽ làm gì sau đó. Ngân hàng trung ương Mỹ đã hoàn thành chu kỳ tăng lãi suất hay vẫn tiếp tục thắt chặt để kìm hãm lạm phát.
Các dữ liệu mới nhất cho thấy lạm phát tại Mỹ đang trên đà giảm, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Fed.
Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (CPE) cốt lõi của Mỹ đã tăng 0,3% trong tháng 3. Đây là thước đo lạm phát yêu thích của Fed, không tính tới giá thực phẩm và nhiên liệu biến động mạnh.
So với một năm trước đó, PCE lõi tăng 4,6%, cao hơn so với dự đoán 4,5% của giới quan sát. Tuy nhiên, tỷ lệ này đã giảm 0,1 điểm phần trăm so với hồi tháng 2.
Nếu tính cả giá năng lượng và thực phẩm, PCE chỉ tăng 0,1% trong tháng. Tốc độ tăng so với một năm trước đó là 4,2%, giảm mạnh từ mức 5,1% hồi tháng 2.
Tuy nhiên, trong tuyên bố hôm 14/4, Thống đốc Fed Christopher Waller nhấn mạnh rằng dù đối với thước đo nào, “lạm phát vẫn còn quá cao và chúng ta vẫn chưa tới đích”.
Khủng hoảng ngân hàng và nguy cơ suy thoái
Nhưng Fed vẫn còn phải cân nhắc thêm nhiều yếu tố, nhất là những rắc rối trong ngành tài chính thời gian qua. Đầu tuần này, các cơ quan quản lý Mỹ đã nắm quyền kiểm soát First Republic – ngân hàng lớn thứ 14 nước này – rồi bán lại cho JPMorgan Chase.
Đây là động thái nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng ngân hàng kéo dài 2 tháng đã làm rung chuyển hệ thống tài chính Mỹ.
Theo các ước tính, quỹ bảo hiểm của Công ty Bảo hiểm Liên bang Mỹ (FDIC) sẽ thiệt hại tới 13 tỷ USD trong thương vụ này. FDIC đã chia sẻ khoản lỗ với JPMorgan Chase.
Giai đoạn tiếp theo của chu kỳ thắt chặt sẽ là tiếp tục giữ lãi suất điều hành ở mức cao, đồng thời quan sát xem liệu lạm phát có xu hướng hạ nhiệt hay không
Nhóm chuyên gia của Bloomberg
Cùng với đó là những lo ngại về một cuộc suy thoái. Viễn cảnh này dường như đang đến gần hơn. Trong quý đầu năm, Mỹ ghi nhận tốc độ tăng trưởng GDP chỉ đạt 1,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Thêm vào đó là những dấu hiệu suy yếu của thị trường lao động. Giới quan sát cho rằng FOMC sẽ điều chỉnh các tuyên bố của mình trong cuộc họp báo sau cuộc họp.
“Theo chúng tôi, FOMC có thể phát đi tín hiệu rằng họ sẽ tạm dừng tăng lãi suất trong tháng 6 nhưng vẫn giữ quan điểm diều hâu”, ông David Mericle – chuyên gia kinh tế tại Goldman Sachs – bình luận.
Theo ông, Fed dừng tay sớm hơn dự kiến vì những căng thẳng trong hệ thống ngân hàng sẽ giáng đòn lên các hoạt động tín dụng.
“Giai đoạn tiếp theo của chu kỳ thắt chặt sẽ là tiếp tục giữ lãi suất điều hành ở mức cao, đồng thời quan sát xem liệu lạm phát có xu hướng hạ nhiệt hay không”, nhóm chuyên gia của Bloomberg dự đoán.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu… Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.