SGGP
Đúng như dự đoán, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thông báo quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25%-5,50%. Sau thông báo trên, thị trường chứng khoán toàn cầu tăng mạnh, nhưng vàng lại chịu áp lực giảm giá.
Điều chỉnh phù hợp
Đây là cuộc họp thứ 2 liên tiếp Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của FED, quyết định giữ nguyên lãi suất, sau chuỗi 11 đợt tăng từ tháng 3 năm ngoái. Theo Chủ tịch FED Jerome Powell, quyết định được đưa ra dựa trên dấu hiệu tăng trưởng đáng ngạc nhiên của kinh tế Mỹ trong quý 3: tăng trưởng 4,9%, cao vượt dự đoán của các nhà kinh tế.
Số việc làm phi nông nghiệp tăng thêm 336.000 trong tháng 9, cũng vượt xa dự báo. Tuyên bố mới nhất của FED cũng lưu ý rằng với mức tăng việc làm vẫn mạnh và lạm phát tăng cao, FED sẽ tiếp tục xem xét “mức độ củng cố chính sách bổ sung có thể phù hợp để đưa lạm phát về mức mục tiêu 2% theo thời gian”.
Hiện xác suất FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất vào tháng 1-2024 đã giảm xuống 25%, so với khoảng 40% trước đây.
Thông báo của FED khiến thị trường chứng khoán tăng mạnh. Trong phiên giao dịch ngày 2-11, chỉ số chứng khoán toàn cầu ngập sắc xanh. Chốt phiên tại thị trường giao dịch New York, chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones tăng 221,71 điểm (0,67%), lên 33.274 điểm, S&P 500 tăng 44,06 điểm (1,05%), lên 4.237 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq tăng 210,23 điểm (1,64%), lên 13.061,47 điểm. Chỉ số chứng khoán STOXX 600 của châu Âu tăng 0,67%, chỉ số chứng khoán MSCI toàn cầu tăng 0,94%.
Nhu cầu vàng giảm
Trong khi đó, giá vàng giao ngay giảm 0,3%, xuống 1.976,39 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ cũng giảm 0,3%, xuống 1.987,50 USD/ounce. Trong tuần qua, giá vàng giao ngay đã chạm mức 2.009,29 USD/ounce do bối cảnh giới đầu tư đang tìm kiếm sự trú ẩn an toàn ở kim loại quý này trước tình hình xung đột ở Trung Đông. Đây là lần đầu tiên giá vàng vượt ngưỡng quan trọng 2.000 USD/ounce kể từ giữa tháng 5.
Báo cáo xu hướng nhu cầu vàng theo quý do Hội đồng Vàng thế giới (WGC) công bố cho thấy nhu cầu vàng toàn cầu, không tính hoạt động giao dịch vàng phi tập trung (OTC), hay giao dịch ngoài sàn giao dịch, đã giảm 6% trong quý 3 vừa qua khi lượng vàng mua vào của các ngân hàng trung ương thấp hơn mức cao kỷ lục của năm ngoái và lượng vàng do các thợ kim hoàn tiêu thụ giảm.
Tuy nhiên, nhu cầu vàng trong quý 3 vẫn ở mức 1.147,5 tấn, cao hơn 8% so với mức trung bình 5 năm. Từ tháng 1 đến tháng 9 năm nay, các ngân hàng trung ương đã mua 800 tấn vàng, mức mua vào trong cùng kỳ cao nhất từ năm 2000.