Đêm qua, tại thị trường Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) công bố giữ lãi suất ổn định. Lần này, FED phát đi tín hiệu rõ ràng rằng họ đã kết thúc chiến dịch tăng lãi suất mạnh mẽ và dự kiến thực hiện một loạt đợt cắt giảm vào năm 2024.
Theo đó, FED giữ nguyên lãi suất quỹ liên bang trong phạm vi 5,25% – 5,5%, mức cao nhất kể từ năm 2001. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 3/2021, các nhà hoạch định chính sách đưa ra dự báo sẽ không tăng thêm lãi suất.
Ngay sau khi thông tin này được công bố, thị trường chứng khoán Mỹ và vàng đồng loạt “nóng” lên.
Giá vàng thế giới tăng dựng đứng
Giá vàng tăng hơn 1% vào thứ Tư khi chỉ số đô la Mỹ và lãi suất trái phiếu kho bạc giảm sau khi FED đánh dấu sự kết thúc của chu kỳ tăng lãi suất.
Giá vàng giao ngay tăng 1,3% lên 2.004,79 USD/ounce vào lúc 2:34 chiều. ET (1934 GMT). Sau đó, tới kết phiên, kim loại quý vọt lên 2.030,3 USD/ounce.
David Meger, giám đốc giao dịch kim loại tại High Ridge, cho biết: “Việc FED thừa nhận áp lực lạm phát tiếp tục giảm đã làm tăng kỳ vọng cắt giảm lãi suất, khiến lợi suất và đồng đô la giảm mạnh, kéo theo sự gia tăng của vàng và bạc”.
“Chúng tôi tin rằng xu hướng đi lên hiện tại của vàng là một đợt tăng giá bền vững”, David Meger lạc quan với thị trường kim loại quý.
Chỉ số đồng đô la giảm 0,6% sau phán quyết của FED, khiến vàng trở nên rẻ hơn đối với người mua ở nước ngoài. Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ kéo dài sự thoái lui.
Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm chạm mức thấp nhất kể từ tháng 8 sau khi FED giữ lãi suất ổn định trong cuộc họp thứ ba liên tiếp và tạo tiền đề cho ba lần cắt giảm vào năm 2024. Trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm giảm 19 điểm cơ bản xuống 4,016%.
Theo công cụ CME Fedwatch, các nhà giao dịch hiện đang định giá gần 60% khả năng Mỹ sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 3 năm 2024.
Lãi suất thấp hơn làm tăng sức hấp dẫn của việc nắm giữ vàng thỏi lãi suất bằng 0.
Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết lạm phát đã giảm bớt mà tỷ lệ thất nghiệp không tăng đáng kể và có thể chưa cảm nhận được toàn bộ tác động của việc thắt chặt.
Dữ liệu cho thấy giá sản xuất của Mỹ bất ngờ không thay đổi trong tháng 11, cho thấy lạm phát tại nhà máy tiếp tục giảm.
Quỹ đạo của vàng cũng có thể bị ảnh hưởng bởi các cuộc họp chính sách của Ngân hàng Trung ương Châu Âu và Ngân hàng Anh vào thứ Năm.
Vàng SJC tìm lại mốc 74 triệu đồng/lượng
Giá vàng thế giới tăng mạnh đã phả sức nóng tới thị trường trong nước. Ngay từ giờ mở cửa, các cửa hàng kim hoàn đồng loạt điều chỉnh giá vàng tăng mạnh mẽ.
Tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC, giá vàng SJC đang được giao dịch ở mức: 73,20 triệu đồng/lượng – 74,20 triệu đồng/lượng, tăng 400.000 đồng/lượng, tương đương 0,54% so với cuối ngày hôm qua.
Có thể thấy, giá vàng SJC có tốc độ tăng chậm hơn rất nhiều so với vàng thế giới nhưng cũng đã đủ sức tìm lại mốc 74 triệu đồng/lượng.
Tại Tập đoàn Doji, giá vàng SJC đang được trao đổi ở mức: 73,10 triệu đồng/lượng – 74,20 triệu đồng/lượng, tăng 300.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 400.000 đồng/lượng chiều bán ra.
Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận – PNJ điều chỉnh giá vàng SJC tăng 400.000 đồng/lượng lên 73,20 triệu đồng/lượng – 74,20 triệu đồng/lượng. Tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng SJC tăng 420.000 đồng/lượng chiều mua vào, tăng 400.000 đồng/lượng chiều bán ra lên 73,35 triệu đồng/lượng – 74,20 triệu đồng/lượng.
Giá vàng phi SJC có tốc độ điều chỉnh không đồng nhất, nơi tăng rất mạnh, nơi chỉ tăng nhẹ.
Tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng rồng Thăng Long đang giao dịch ở mức: 60,88 triệu đồng/lượng – 61,98 triệu đồng/lượng, tăng 500.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra. Tại Công ty PNJ, giá vàng PNJ chỉ tăng 120.000 đồng/lượng lên 60,5 triệu đồng/lượng – 61,60 triệu đồng/lượng.