Tại Hội nghị biểu dương người nộp thuế tiêu biểu giai đoạn 2020 – 2022, Bộ Tài chính cho biết trong bối cảnh dịch bệnh Covid – 19 kéo dài, thị trường trong nước và xuất khẩu đều bị thu hẹp, hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng… khiến doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam đã phải đứng trước những thách thức chưa từng có.
Thời gian qua, hàng loạt chính sách đã được ban hành để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Trong đó đáng chú ý là các giải pháp chính sách về gia hạn, miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất, miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, cùng nhiều khoản phí, lệ phí…
Bộ Tài chính cho biết, tổng quy mô các giải pháp hỗ trợ năm 2020 khoảng 129.000 tỷ đồng, năm 2021 khoảng 145.000 tỷ đồng, năm 2022 khoảng 233.000 tỷ đồng.
Như vậy chỉ trong 3 năm từ 2020 đến 2022, tổng quy mô các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp là hơn 507.000 tỷ đồng. Trong đó số tiền thuế được gia hạn là trên 352.000 tỷ đồng, và số tiền thuế được miễn, giảm là khoảng 155.000 tỷ đồng.
Mới đây nhất, năm 2023, Bộ Tài chính đã tiếp tục trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các chính sách hỗ trợ với quy mô khoảng 196.000 tỷ đồng. Đồng thời, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ về giảm tiền thuê đất phải nộp của năm 2023. Dự kiến thực hiện giải pháp này, số tiền thuê đất được giảm nghĩa vụ năm 2023 là khoảng 3.500 tỷ đồng.
Bên cạnh những giải pháp tài chính, Bộ Tài chính cho biết thời gian qua cũng đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia, cung cấp dịch vụ thuế điện tử chất lượng cao cho người nộp thuế.
Sau gần 2 năm từ ngày triển khai hệ thống hóa đơn điện tử toàn quốc, đã có trên 851.000 doanh nghiệp và trên 65.000 hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai đã đăng ký, chuyển đổi sử dụng HĐĐT theo quy định; cơ quan thuế đã tiếp nhận và xử lý trên 5 tỷ hóa đơn điện tử.
Cùng với hóa đơn điện tử, ngành Thuế cũng đã triển khai thành công Cổng thông tin điện tử phục vụ người nộp thuế kinh doanh thương mại điện tử.
Tính đến hết tháng 9/2023, đã có 62 nhà cung cấp nước ngoài thực hiện các thủ tục thuế qua Cổng, trong đó có 6 tập đoàn công nghệ lớn gồm Facebook, Google, Microsoft, TikTok, Netflix, Apple. Tổng số thuế các nhà cung cấp nước ngoài đã nộp qua Cổng là hơn 9.000 tỷ đồng.
“Kết quả này đưa Việt Nam trở thành một trong 4 nước đi đầu trong khu vực ASEAN triển khai thu thuế đối với các nhà cung cấp nước ngoài. Đây là bước chuyển quan trọng, khẳng định chủ quyền quản lý thuế của quốc gia đối với các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử dựa trên nền tảng số xuyên biên giới”, Bộ Tài chính cho biết.
Cũng theo Bộ Tài chính, tính đến tháng 9/2023, đã có 351 sàn thương mại điện tử gửi thông tin qua Cổng, trong đó có dữ liệu giao dịch của hơn 34.000 nhà cung cấp là tổ chức tại Việt Nam, 136 nhà cung cấp là tổ chức nước ngoài, 214.000 nhà cung cấp là cá nhân tại Việt Nam, 7 nhà cung cấp là cá nhân nước ngoài.