Eximbank đang có quá nhiều sự thay đổi và bất thường. Việc dời trụ sở ra khỏi nơi đã sinh trưởng lại càng khó hiểu.
Ngày 21-10, Ngân hàng Eximbank, mã chứng khoán: EIB, đưa 122 triệu cổ phiếu phát hành hồi tháng 9-2024 lên sàn giao dịch chứng khoán.
Ngay trong ngày này, EIB tăng trần lên 20.800 đồng/cổ phiếu, mức giá cao nhất trong vòng 2 năm và lọt tốp 4 mã chứng khoán tăng giá mạnh trong ngày. Thanh khoản của EIB cũng tăng đột biến lên hơn 34 triệu cổ phiếu, đứng đầu về khối lượng giao dịch toàn sàn.
Có lẽ, đây là những thông tin tích cực với nhà đầu tư và khách hàng của Eximbank sau nhiều thấp thỏm. Nhưng điều này không hóa giải được những hoài nghi, bất an về việc chi phối, thao túng NH.
Bởi, Eximbank đang có quá nhiều sự thay đổi và bất thường. Và bất thường nhất chính là kế hoạch tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường (EGM) tại Hà Nội theo Nghị quyết HĐQT ngày 8-10. Trong đó nội dung họp được công bố là thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính của Eximbank.
Việc đổi địa điểm họp, thậm chí thay đổi trụ sở của một NH không phải là quá lạ nhưng với Eximbank lại gây chú ý. Lý do, Eximbank đã ra đời và phát triển suốt hơn 30 năm ở TP HCM, khách hàng, nguồn thu chủ yếu cũng đến từ khu vực phía Nam. Phân bổ chi nhánh và phần đông nhân sự cũng sống và làm việc ở phía Nam. Việc Eximbank tổ chức EGM tại Hà Nội đã là… lạ đời, việc dời trụ sở ra khỏi nơi đã sinh trưởng lại càng khó hiểu.
Nhưng, khi nhìn vào cơ cấu nhân sự cấp cao và cổ đông lớn của Eximbank sẽ thấy kế hoạch dời trụ sở lần này không khó lý giải. Bởi, đa số cổ đông lớn của NH này hoạt động ở phía Bắc. Như vậy, cuối cùng, khách hàng và nhà đầu tư cũng tìm thấy manh mối cho ý định chuyển trụ sở của Eximbank là “Cổ đông, lãnh đạo ở đâu thì dời trụ sở đến đó”. Câu hỏi đặt ra là, liệu quyết định này có thực sự phục vụ lợi ích của khách hàng và doanh nghiệp hay chỉ nhằm mục đích phục vụ một nhóm cổ đông nhất định?
Thế giới đã sớm nhận diện được rủi ro từ việc một NH bị chi phối bởi một hoặc vài cá nhân. Theo thông lệ quốc tế, nhiều quốc gia đã giới hạn tỉ lệ sở hữu cổ phần của một cổ đông dưới 5% để bảo đảm tính đại chúng và ngăn chặn sự thao túng. Ngành NH Việt Nam cũng đã có những bước tiến trong vấn đề này, với sự ra đời của Luật Tổ chức tín dụng năm 2024 nhằm ngăn chặn sở hữu chéo, thao túng hoạt động NH và bảo vệ hệ thống tài chính quốc gia.
Việc Eximbank dự định dời trụ sở ra Hà Nội đang đi ngược lại với xu hướng này. Đây là một bước thụt lùi về mặt quản trị NH, khi những quyết định quan trọng như thay đổi trụ sở bị chi phối bởi các yếu tố sở hữu.
Trước đó, nhiều nhà đầu tư đã bày tỏ lo ngại về hoạt động tín dụng của Eximbank, đặc biệt là việc cấp tín dụng lớn cho Công ty CP Chứng khoán VIX, một trong những cổ đông lớn của NH. Cụ thể, NH này đã cấp tín dụng cho VIX số tiền lên tới 1.700 tỉ đồng và cho các cá nhân thuộc công ty này vay tiêu dùng 520 tỉ đồng, trong khi VIX là cổ đông lớn thứ 3 của Eximbank. Việc này khiến nhiều người lo ngại Eximbank có thể đang rơi vào vòng xoáy thao túng, tương tự như những gì đã xảy ra tại SCB.
“Đi qua ruộng dưa đừng cột dây giày, dưới gốc mận đừng sửa nón”. Câu nói này dường như rất đúng trong trường hợp của Eximbank hiện tại. Thiết nghĩ với những tiền lệ mười mươi, với vai trò, thân thế vừa khớp với “công thức ma quỷ” của những trường hợp thao túng NH – thì những thay đổi lớn, những khoản tín dụng thị phi kia của Eximbank cần sớm có một lời giải.
Nguồn: https://nld.com.vn/eximbank-dang-cot-giay-giua-ruong-dua-196241023205313638.htm