SGGPO
Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo 216/TB-VPCP ngày 8-6 kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về tình hình cung ứng điện mùa khô năm 2023.
Tình hình nắng nóng gay gắt tại nhiều nơi trong cả nước thời gian qua đã làm tăng nhu cầu điện sinh hoạt của nhân dân, cùng với tình trạng nước về các hồ thủy điện rất thấp đã gây ảnh hưởng rất lớn đến cung ứng điện trong mùa khô năm 2023.
Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) và các cơ quan liên quan đã cố gắng, nỗ lực thực hiện các giải pháp để đảm bảo cung ứng điện trong thời gian qua. Tuy nhiên, theo báo cáo của EVN và Bộ Công thương thì tình hình cung ứng điện hiện nay đang rất khó khăn, nguy cơ thiếu điện tại miền Bắc là hiện hữu khi mực nước tại nhiều hồ thủy điện đã về sát mực nước chết, cá biệt có một số hồ mực nước đã thấp hơn mực nước chết. Đồng thời một số nhà máy nhiệt điện than lại đang bị sự cố chưa thể khắc phục đưa vào vận hành sớm (tổng công suất các nguồn điện than đang bị sự cố khoảng 2.600 MW).
Đây là những vấn đề mới phát sinh, cần có các giải pháp khắc phục, đồng thời cần xây dựng các kịch bản điều hành mang tính chủ động nhằm giảm thiểu những tác động đến phát triển kinh tế và đời sống nhân dân.
Yêu cầu bảo đảm an ninh năng lượng, bảo đảm cung ứng điện là nhiệm vụ chính trị quan trọng của ngành điện đã được các đồng chí lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo xuyên suốt và thống nhất qua các thời kỳ.
Chính phủ yêu cầu EVN phải có kịch bản điều tiết cắt giảm điện và thực hiện bảo đảm công bằng |
Đối với khó khăn về bảo đảm cung ứng điện hiện nay, nhất là đối với miền Bắc cần được các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan, đặc biệt là EVN, Bộ Công thương phối hợp thực hiện các giải pháp kịp thời, hiệu quả, trong đó lưu ý một số nhiệm vụ, giải pháp.
Cụ thể, EVN, Tập đoàn khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện các giải pháp phù hợp đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, lưu ý không được để xảy ra thiếu nhiên liệu cho phát điện trong lúc khó khăn về cung ứng điện.
Chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện than đang bị sự cố cần tập trung thực hiện các biện pháp khắc phục ngay để đưa vào vận hành sớm nhất có thể.
EVN phải tập trung nghiên cứu, thực hiện đồng bộ các giải pháp về cung ứng điện, đặc biệt là việc thực hiện đạt hiệu quả cao nhất các biện pháp về tiết kiệm điện. EVN xây dựng các kịch bản điều hành cung ứng điện theo hướng dẫn của Bộ Công thương, kể cả kịch bản thiếu nguồn điện phải điều tiết cắt giảm điện và tổ chức thực hiện bảo đảm công bằng, công khai, đúng quy định, giảm thiểu tác động đến hoạt động sản xuất và đời sống của nhân dân.
Bộ Công thương hướng dẫn EVN xây dựng các kịch bản điều hành cung ứng điện của hệ thống điện quốc gia, đặc biệt là của hệ thống điện miền Bắc trong giai đoạn khó khăn thiếu điện cục bộ, bảo đảm theo đúng quy định.
Đối với kịch bản thiếu nguồn điện và phải điều tiết cắt giảm điện, cần có các biện pháp bảo đảm cung ứng điện đối với các sự kiện chính trị – xã hội trọng đại, quan trọng và các khách hàng sử dụng điện quan trọng không thể thiếu điện, đồng thời hướng dẫn về điều tiết cắt giảm điện đảm bảo công bằng, công khai, đúng quy định.
Tập trung nghiên cứu, hướng dẫn hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền trong tháng 6 về các cơ chế chính sách đồng bộ, phù hợp với quy định của pháp luật để triển khai điện mặt trời áp mái phục vụ mục đích tự sản xuất tự tiêu thụ (nghiên cứu đối với các cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, đơn vị sự nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà dân…), bảo đảm hiệu quả, góp phần giảm khó khăn về cung ứng điện trong thời gian tới.
Thực hiện rà soát, kiểm tra ngay đối với các nhà máy nhiệt điện than đang bị sự cố và yêu cầu các chủ đầu tư phải thực hiện ngay các biện pháp khắc phục để đưa vào vận hành sớm nhất có thể. Đối với các nhà máy nhiệt điện có thời gian sự cố kéo dài (trên 2 năm) và không thể đưa vào vận hành trong tháng 6, kiến nghị các cơ quan chức năng thực hiện công tác thanh tra để xác định rõ nguyên nhân và trách nhiệm cụ thể.