Sáng 18-11, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức hội thảo thông tin kinh tế quý 3 của Việt Nam, và tác động kinh tế xã hội của chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các ngành công nghiệp.
Theo ông Nguyễn Hải Minh – phó chủ tịch EuroCham, chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) từ sau đại dịch giảm đi và thậm chí giảm mạnh – thấp hơn mức bình quân (dưới 50 điểm phần trăm). Đến nay đã ba năm sau đại dịch, chỉ số này vẫn chưa thực sự quay trở lại kỳ vọng như trước.
Niềm tin kinh doanh phục hồi nhưng vẫn mong manh
Mặc dù BCI đã có sự phục hồi tại 2 quý trở lại đây khi chỉ số BCI ở mức trên trung bình, song vẫn còn nhiều thách thức đặt ra. Thực tế này yêu cầu cần nỗ lực hơn trong cải cách môi trường kinh doanh với sự thuận lợi, thông thoáng và minh bạch hơn, các chính sách tạo thuận lợi, ổn định cho các nhà đầu tư.
“Năm nay là năm tăng trưởng khá mạnh mẽ của Việt Nam, vậy động lực tăng trưởng chính là thế nào, hay trong thu hút đầu tư cần những chính sách gì? Doanh nghiệp châu Âu mong muốn nền kinh tế minh bạch hơn khi rào cản thủ tục hành chính vẫn là rào cản lớn. Vậy chính sách gì Việt Nam cần ưu tiên áp dụng trong thời gian tới?” – ông Minh nêu vấn đề.
Kết quả khảo sát của EuroCham trong quý 3 cho thấy chỉ số BCI đã tăng đáng kể, từ 45,1 trong quý 3-2023 lên 52 điểm phần trăm vào quý 3 năm nay, đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ.
Tuy vậy ba trở ngại lớn nhất trong hoạt động của các doanh nghiệp châu Âu là gánh nặng hành chính, quy định chưa rõ ràng và khó khăn trong việc xin giấy phép.
Bà Nguyễn Minh Thảo, trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện CIEM), cho hay chỉ số niềm tin kinh doanh có sự cải thiện, song chưa thực sự bền vững và còn nhiều yếu tố bất định.
Đặc biệt một số chính sách chưa có sự cải thiện, không chỉ đơn thuần là rào cản, thủ tục mà nhà đầu tư rất cần sự ổn định của chính sách.
Nhà đầu tư cần chính sách ổn định
“Nhiều nhà đầu tư nước ngoài chia sẻ cần có sự ổn định chính sách và xem đây là yếu tố quyết định để họ có đầu tư tăng lên hay không. Thực tế, dù số lượng nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng, song quy mô vốn của một dự án ngày càng nhỏ, đặt ra yêu cầu cần cải cách thực chất hơn” – bà Thảo nêu.
Đồng tình, bà Đinh Thị Quỳnh Vân – chủ tịch PwC Việt Nam, công ty kiểm toán, tư vấn thuế – cho hay việc cải thiện môi trường kinh doanh cần nhiều yếu tố. Trong đó cải cách thủ tục hành chính chỉ là một phần, mà quan trọng hơn là nhà đầu tư cần chính sách ổn định, tổng thể và thống nhất.
Bà Vân ví dụ có nhà đầu tư chia sẻ muốn xây dựng dự án BOT về năng lượng khoảng trong 1 năm, vì các nước tiến hành chỉ mất khoảng 6 tháng. Song khi tìm hiểu thực tế ở nước ta, để xây dựng dự án năng lượng BOT mất cả chục năm mà vẫn rất khó khăn.
Hay với việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đang áp dụng 26 ngành nghề, bà Vân cho hay nguồn thu từ loại thuế này lại chủ yếu tập trung từ ba ngành là đồ uống có cồn (bia rượu), ô tô và thuốc lá. Vì vậy với đề xuất tăng thuế mới đây, bà Vân cho rằng ảnh hưởng tới một số ngành là rất lớn.
Việc áp thuế cũng đặt ra câu hỏi sắc thuế này được ban hành nhằm mục tiêu điều tiết tiêu dùng hơn là tăng thu ngân sách, song thực tế một số ngành chịu thuế lại đang đóng góp tỉ trọng không nhỏ cho thu ngân sách. Bởi thống kê từ năm 2018 – 2022, tỉ lệ nộp thuế tiêu thụ đặc biệt thường chiếm 10-12% tổng số thu ngân sách nhà nước.
Ngoài ra bà Vân cũng cho rằng áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt với một số ngành đã không còn phù hợp. Ví dụ như điều hòa nhiệt độ hiện nay đã trở thành mặt hàng tiêu dùng phổ biến, song vẫn nằm trong diện đánh thuế.
Với quan điểm cần nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài, bà Vân cho rằng chính sách thuế cần khuyến khích để doanh nghiệp đầu tư cho phát triển sản xuất, mở rộng doanh thu và làm ăn có lãi. Trên cơ sở mở rộng nguồn thu, doanh nghiệp sẽ đóng góp thuế nhiều hơn và tạo việc làm, giá trị gia tăng cho xã hội.
Nguồn: https://tuoitre.vn/eurocham-nha-dau-tu-muon-moi-truong-kinh-doanh-minh-bach-chinh-sach-on-dinh-20241118145745959.htm