Lên bóng chậm, chuyền qua chuyền lại, không có nhiều pha bóng tấn công đẹp mắt…, một số trận đấu ở Euro 2024 khiến các CĐV theo dõi cảm thấy… buồn ngủ!
Trên các diễn đàn, nhiều CĐV cảm thấy như chịu “cực hình” khi phải thức xem 120 phút trận Anh – Thụy Sĩ ở tứ kết Euro 2024 vào rạng sáng 7-7. Đây là trận thứ năm của “tam sư” ở Euro 2024 và cũng là trận “ru ngủ” khán giả thứ năm của thầy trò HLV Gareth Southgate.
Kết quả quyết định lối chơi
Nhưng không chỉ có các trận đấu của tuyển Anh, nhiều trận khác tại Euro 2024 cũng khiến CĐV như bị “gây mê” vì tốc độ chậm và có quá ít cơ hội nguy hiểm.
Một số CĐV so sánh chất lượng các trận đấu ở Euro 2024 không bằng những trận đấu ở các giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Âu. Ngay cả trận đấu giữa Man City và một đội tốp dưới bảng xếp hạng Premier League cũng sôi động và hấp dẫn hơn nhiều. So sánh này có vẻ khập khiễng nhưng chưa chắc đã sai.
Anh và Pháp là hai đội tuyển có giá trị đội hình cao nhất tại Euro 2024, đồng thời được xem là ứng viên sáng giá nhất cho chức vô địch. Nhưng họ cũng là hai đội đá chán và thiếu lửa nhất. Tuy nhiên, bằng sự xuất chúng của những ngôi sao, Anh và Pháp đã góp mặt ở bán kết.
Có người nhìn vào lối chơi để đánh giá, nhưng kết quả vẫn là thứ duy nhất được chấp nhận. Và kết quả có lẽ là câu trả lời thỏa đáng nhất cho việc tại sao có nhiều trận đấu nhạt như nước ốc tại Euro 2024.
Khác với các giải vô địch quốc gia châu Âu có nhiều vòng đấu, những CLB lớn có thể sửa sai. Nhưng Euro hoàn toàn ngược lại, mọi sai lầm đều có thể phải trả giá bằng việc bị loại sớm. Do đó, các đội lựa chọn lối chơi cẩn trọng, trước tiên không để thủng lưới rồi mới tính đến việc ghi bàn. Nếu không thể thắng đối thủ thì cũng không được phép thất bại.
Tư tưởng đó càng được thể hiện rõ rệt khi vào sâu trong giải. Minh chứng là 3/4 trận ở tứ kết Euro 2024 phải bước vào hiệp phụ. Và hai trong số đó phải giải quyết thắng thua trên chấm luân lưu.
Quá rủi ro khi chơi tấn công
Nhiều người cho rằng Anh và Pháp, với đội hình nhiều ngôi sao, nếu lựa chọn lối chơi tấn công quyết liệt và mạnh mẽ thì có thể giành chiến thắng áp đảo.
Nhưng nhận định đó cũng chưa chuẩn xác. Đầu tiên phải thừa nhận dù hai đội này có nhiều cầu thủ xuất sắc nhưng họ không gắn kết với nhau như ở các CLB. Điều đó gây khó cho các HLV bởi không dễ để giải bài toán này chỉ trong vài tuần thi đấu cùng nhau.
Mặt khác, trình độ của các đội bóng ở Euro 2024 giờ đây không quá cách biệt. Các cầu thủ ở châu Âu vốn đã không còn xa lạ gì nhau qua những lần chạm trán ở các đấu trường trong nước cũng như châu lục.
Như khi Anh gặp Thụy Sĩ, trung vệ Akanji đã quá hiểu Phil Foden (đồng đội ở Man City) hay những hậu vệ Stefan de Vrij, Denzel Dumfries (Hà Lan) thuộc lòng “bài” của đội trưởng Hakan Çalhanoglu của Thổ Nhĩ Kỳ (đồng đội ở Inter).
Kế đến, bóng đá hiện đại đề cao phân tích và yếu tố chiến thuật. Vì vậy, các HLV luôn nghiên cứu đối thủ rất kỹ.
Các pha tấn công phải đa dạng, biến hóa đến mức khó lường mới có thể ghi bàn. Trong bối cảnh như vậy, nếu các đội bóng lựa chọn chơi tấn công quyết liệt có thể phải trả giá bằng những pha phản công sắc bén của đối thủ.
Đó là lý do vì sao các đội bóng chơi cẩn trọng, cù cưa và chờ sai lầm của đối thủ khiến các trận đấu nhàm chán.
Lối chơi nói trên đặc biệt phù hợp với những đội bóng có nhiều cầu thủ chất lượng như Anh và Pháp, khi họ không thua thì sẽ có lúc đối thủ sẽ mắc sai lầm. Khi có nhiều ngôi sao, các đội bóng cũng sẽ ăn bàn từ những khoảnh khắc. So với lựa chọn tấn công, lối chơi này rất an toàn.
Ở bán kết, Anh và Pháp sẽ đối đầu hai đội bóng chơi tấn công là Hà Lan và Tây Ban Nha. Đừng ngạc nhiên nếu họ tiếp tục ru ngủ người xem và sau đó có mặt tại chung kết.
Tuoitre.vn
Nguồn:https://tuoitre.vn/euro-2024-vi-sao-co-nhieu-tran-dau-ru-ngu-nguoi-xem-20240709092443815.htm