Ngày 19/7, Liên minh châu Âu (EU) bày tỏ thất vọng mạnh mẽ trước quyết định của Quốc hội Israel ngày 18/7 phản đối việc thành lập nhà nước Palestine, ngay cả khi đó là một phần trong thỏa thuận hòa bình.
Người phụ nữ bế đứa trẻ đứng giữa đống đổ nát của những tòa nhà bị phá hủy trong cuộc ném bom của Israel, ở Khan Younis, phía Nam Dải Gaza, ngày 23/6/2024. Chiến sự giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas tại vùng lãnh thổ của Palestine bùng phát từ tháng 10/2023 đến nay chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, bất chấp nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm đưa ra một lệnh ngừng bắn. (Nguồn: Getty) |
EU khẳng định, giải pháp hai nhà nước là con đường duy nhất để đạt được hòa bình và an ninh lâu dài cho khu vực Trung Đông.
Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell nhấn mạnh: “Có sự đồng thuận mạnh mẽ trong cộng đồng quốc tế về việc giải pháp hai nhà nước là giải pháp khả thi duy nhất”.
Khối 27 quốc gia thành viên tái khẳng định cam kết đối với một giải pháp hòa bình lâu dài và bền vững dựa trên các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, bao gồm Nghị quyết 2735, 2728, 2720 và 2712. Theo đó, người Israel và người Palestine đều có quyền bình đẳng được sống trong an ninh, tự do và hòa bình.
EU tuyên bố sẽ không công nhận bất kỳ thay đổi nào đối với biên giới năm 1967 trừ khi được cả hai bên đồng ý.
Cam kết tiếp tục hợp tác với các đối tác quốc tế và khu vực để thúc đẩy tiến trình hòa bình và khôi phục các cuộc đàm phán, EU nhấn mạnh rằng, việc thành lập nhà nước Palestine là một phần thiết yếu trong tiến trình này. Việc thiếu hy vọng và triển vọng cho người Palestine sẽ chỉ làm trầm trọng thêm tình trạng xung đột trong khu vực.
Trong diễn biến liên quan, trước việc Quốc hội Israel bác bỏ giải pháp thành lập nhà nước Palestine, chính phủ Đức đã chỉ trích Israel và cho biết Berlin quan ngại sâu sắc về vấn đề này.
Phát biểu ngày 19/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức cho rằng, nghị quyết của Quốc hội Israel mâu thuẫn với một số nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, do đó, “Israel đang tự tách mình ra khỏi đại đa số cộng đồng quốc tế và tự cô lập mình”.
Người phát ngôn này cảnh báo, dù nghị quyết của Quốc hội Israel không mang tính ràng buộc nhưng nó vẫn là “một bước thụt lùi” trong nỗ lực nhằm cân bằng lợi ích an ninh hợp pháp của Israel với quyền tự quyết của người Palestine.
Theo ông, chính phủ Đức nhận thấy rõ ràng rằng, không có giải pháp nào có thể thay thế giải pháp “hai nhà nước”. An ninh của Israel chỉ có thể được đảm bảo lâu dài với giải pháp này.
Cùng ngày 19/7, hãng tin Reuters cho biết, Tòa án Công lý quốc tế của Liên hợp quốc (ICJ) đã ra phán quyết khẳng định, chính sách xây dựng các khu định cư và khai thác tài nguyên thiên nhiên của Israel trên lãnh thổ Palestine là vi phạm luật pháp quốc tế.
Trước đó, ICJ khẳng định có thể đưa ra ý kiến tư vấn không mang tính ràng buộc về việc Israel chiếm đóng các vùng lãnh thổ của người Palestine, bác bỏ lời kêu gọi của Israel và một số quốc gia khác yêu cầu ICJ không làm như vậy.
Nguồn: https://baoquocte.vn/israel-bac-bo-thanh-lap-nha-nuoc-palestine-eu-that-vong-manh-me-khang-dinh-giai-phap-kha-thi-duy-nhat-duc-noi-mot-buoc-thut-lui-279371.html