Ngày 27/10, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen thông báo, EC đang nghiên cứu đề xuất chia một số lợi nhuận thu được từ tài sản nhà nước bị phong tỏa của Nga để hỗ trợ Ukraine và công cuộc tái thiết sau xung đột quân sự ở nước này.
EU đã quyết định Nga phải chi trả cho việc tái thiết Ukraine. (Nguồn: Asiatimes) |
Phát biểu họp báo sau hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU), bà von der Leyen lưu ý giá trị tài sản nhà nước của Nga bị phong tỏa hiện nay là 211 tỷ Euro (223,15 tỷ USD).
Đồng thời, bà von der Leyen nhắc lại rằng, EU đã quyết định Nga phải chi trả cho việc tái thiết Ukraine.
Bà nói: “Chúng tôi sẽ đưa ra đề xuất tìm cách sử dụng số tiền thu được từ những tài sản hiện đang mang lại lợi ích cho một số tổ chức tài chính ở Liên minh châu Âu”.
Theo Chủ tịch EC, Bộ trưởng Tài chính các nước EU đã đạt được tiến bộ về một số nguyên tắc cơ bản trong cuộc họp thường niên của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB) tại Marrakesh hồi đầu tháng 10 này. Do đó, bước đi tiếp theo sẽ là một đề xuất thực tế.
Trước đó, EU đã phong tỏa tài sản nhà nước của Nga vào tháng 3/2022, sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Cùng ngày 27/10, trong một thông tin liên quan vấn đề tài trợ cho Ukraine, Thủ tướng Đức Olaf Scholz bày tỏ tin tưởng rằng, EU sẽ thực hiện những quyết định cần thiết để đảm bảo sự ổn định của Ukraine bất chấp sự bất đồng giữa một số thành viên.
Phát biểu sau hội nghị thượng đỉnh ở Brussels, Thủ tướng Đức nói: “Tôi nghĩ là chúng ta sẽ phải quyết định điều gì cần thiết cho sự ổn định tài chính của Ukraine. Và tôi không cho rằng, những đánh giá cụ thể khác nhau lại ảnh hưởng đến điều này”.
Theo người đứng đầu nhà nước Đức, EU nên thay đổi các ưu tiên trong ngân sách để có thể kết hợp hỗ trợ cho Ukraine với việc thực hiện các nhiệm vụ khác. Ông Scholz bày tỏ hy vọng, một quyết định như vậy sẽ được đưa ra bất chấp sự khác biệt về quan điểm của các bên.
Đầu tháng này, người đứng đầu EC Ursula von der Leyen đã đề xuất bổ sung thêm 66 tỷ Euro vào ngân sách EU giai đoạn 2024-2027, phần lớn trong số đó sẽ được sử dụng cho các sáng kiến tiếp nhận người di cư, cũng như hỗ trợ Ukraine trong 4 năm tới.
Ngay lập tức, Thủ tướng Hungary Viktor Orban tuyên bố, Budapest sẽ tiếp tục ngăn chặn việc phân bổ kinh phí bổ sung từ ngân sách EU cho Ukraine đến khi nào nước này thấy có lý lẽ chính đáng rõ ràng.
Phát biểu trên đài phát thanh Hungary, Thủ tướng Viktor Orban nói rằng, ông thấy không có lý do gì để Hungary phải gửi tiền thuế của người dân sang hỗ trợ Ukraine.