Mỳ ăn liền Việt Nam xuất sang EU không cần phải có chứng thư về kiểm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (chất ethylene oxide – EO) nhưng vẫn chịu kiểm soát 20% tại cửa khẩu.
Đây là nội dung thông báo vừa được Liên minh châu Âu (EU) gửi tới văn phòng SPS Việt Nam.
Theo Liên minh châu Âu (EU), từ 12/2021, mỳ ăn liền có chứa gia vị, bột nêm hoặc nước sốt từ Việt Nam phải chịu kiểm soát cao khi gia nhập vào khu vực này, do nguy cơ nhiễm EO. Quá trình kiểm soát hơn một năm qua, Tổng vụ An toàn và sức khỏe (Sante, thuộc EU) ghi nhận không có vụ việc vi phạm nào của mỳ ăn liền Việt Nam bị EU phát hiện có EO trong sản phẩm.
Nhà chức trách phía EU cũng ghi nhận sự tiến bộ của các doanh nghiệp Việt Nam khi tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, kiểm soát chuỗi cung ứng và cung cấp đầy đủ bằng chứng về chất lượng sản phẩm khi đưa hàng vào EU.
Do đó, ngày 6/6, EU đã bỏ quy định phải có chứng thư về EO trên mỗi lô hàng do cơ quan quản lý Việt Nam cấp. Tuy nhiên, mỳ ăn liền Việt Nam vào thị trường này vẫn chịu kiểm soát tại cửa khẩu, với tần suất 20%.
Ngoài mỳ ăn liền, ba sản phẩm nông sản khác là ớt chuông, đậu bắp và thanh long của Việt Nam vào EU cũng phải chịu tuần suất kiểm tra 20-50%.
SPS Việt Nam đánh giá, đây là động thái tích cực giúp các doanh nghiệp Việt giảm bớt gánh nặng về chi phí trong xuất khẩu. Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, các doanh nghiệp vẫn cần nâng cao chất lượng sản phẩm, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của EU để hàng Việt cạnh tranh lành mạnh và tiếp cận sâu hơn ở thị trường này.
Tháng 8/2021, một số lô mỳ ăn liền của doanh nghiệp Việt Nam khi xuất sang thị trường EU bị trả lại hoặc tiêu hủy do chất EO vượt quá quy định cho phép tại thị trường này.
Hiện mỗi nước, khu vực đưa ra quy định về chất EO khác nhau, có nơi siết chặt như EU, nhưng cũng có các quốc gia nới lỏng hơn. Ethylene oxide (EO) thường được sử dụng làm chất khử trùng, hun trùng có hiệu quả cao trong một số sản phẩm nông sản; khử khuẩn các nguyên liệu thực phẩm, gia vị và các loại thảo mộc như ớt bột, tiêu và quế do yêu cầu luôn cần kiểm tra thường xuyên vi khuẩn Salmonella.
Việc tiêu thụ các sản phẩm có chứa EO không gây nguy hiểm cấp tính cho sức khỏe nhưng có thể gây ung thư nếu dùng thường xuyên trong thời gian dài. Tại nhiều nước châu Âu, hàm lượng ethylene oxide trong thực phẩm được tính cả mức tồn dư 2-chloroethanol, một dạng chuyển hóa của ethylene oxide.
Thi Hà