EU quyết định duy trì các biện pháp hạn chế chống lại Iran theo cơ chế trừng phạt không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani. (Nguồn: Bộ Ngoại giao Iran) |
Ngày 1710, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani chỉ trích quyết định mới đây của Hội đồng châu Âu (EC) về việc duy trì các biện pháp trừng phạt đối với Tehran, lẽ ra sẽ được dỡ bỏ từ ngày 18/10 theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015 – có tên chính thức là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).
Đại diện Bộ Ngoại giao Iran cho rằng, động thái này vi phạm các cam kết của Liên minh châu Âu (EU) và nhóm E3 – gồm Pháp, Anh và Đức – theo JCPOA, và Nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Trước đó cùng ngày, trong tuyên bố đăng trên trang web chính thức, EC tuyên bố quyết định được đưa ra nhằm duy trì các biện pháp hạn chế chống lại Tehran theo cơ chế trừng phạt không phổ biến vũ khí hạt nhân sau ngày 18/10 – thời điểm hết hiệu lực các biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc nhằm hạn chế Iran mua tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái theo quy định của JCPOA.
Ngày 17/9, nhóm E3 thông báo không dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt nhất định đối với Iran do nước này bị cáo buộc “không tuân thủ” thỏa thuận hạt nhân năm 2015 đã ký với các cường quốc thế giới.
Thỏa thuận hạt nhân đặt ra những giới hạn cứng rắn đối với chương trình năng lượng hạt nhân của Tehran – bao gồm cả những hạn chế về số lượng uranium đã làm giàu mà nước này có thể lưu trữ vào bất kỳ thời điểm nào.
Trong khi đó, các bên ký kết khác cũng đồng ý với nhiều cam kết khác nhau, chủ yếu là giảm nhẹ các lệnh trừng phạt đối với Tehran.
Tuy nhiên, các quan chức Iran khẳng định, họ không còn bị ràng buộc bởi những quy tắc đó do Mỹ đơn phương hủy bỏ thỏa thuận vào năm 2018, khi Tổng thống Mỹ lúc đó là Donald Trump áp dụng lại tất cả các lệnh trừng phạt trước đây đối với Tehran và mở rộng trừng phạt, vi phạm cam kết cốt lõi của Mỹ với thỏa thuận hat nhân ký với Iran.