Ủy ban của PACE vừa thông qua dự thảo nghị quyết về tịch thu tài sản Nga bị phong tỏa.
EU đã có cách giải quyết tài sản Nga bị đóng băng, tạo tiền lệ chưa từng có, ‘bước ngoặt’ trong luật pháp quốc tế? (Nguồn: Getty Images) |
Điều từng bị coi là một ý tưởng kỳ quặc cách đây hai năm – rằng tài sản Nga bị đóng băng có thể được sử dụng để chi trả cho việc tái thiết Ukraine bị tàn phá do xung đột quân sự – đang dần trở thành hiện thực. Đây rất có thể trở thành một tiền lệ mang tính bước ngoặt trong luật pháp quốc tế.
Ủy ban Chính trị của Hội đồng Nghị viện, Hội đồng châu Âu (PACE) đã chính thức thông qua dự thảo nghị quyết về việc tịch thu tài sản Nga bị phong tỏa và việc sử dụng chúng để hỗ trợ Ukraine tái thiết.
Thông báo này đã được nêu trong một tuyên bố vừa công bố trên trang web PACE.
Trong dự thảo nghị quyết dựa trên báo cáo của ông Lulzim Basha (Albania, EPP/CD), Ủy ban thông báo, “Nga với tư cách là một bên trong cuộc xung đột với Ukraine, nên bồi thường đầy đủ cho Kiev, bao gồm cả việc phá hủy cơ sở hạ tầng, khó khăn về kinh tế và các tác động tiêu cực khác…”.
Thông tin của PACE nêu rõ, khoảng 300 tỷ USD tài sản thuộc chủ quyền của Nga bị phong tỏa hiện nay “sẽ được sử dụng để tái thiết Ukraine”.
Các nghị sĩ chỉ ra rằng đến tháng 6/ 2023, thiệt hại được ghi nhận đối với cơ sở hạ tầng và nền kinh tế Ukraine do chiến dịch quân sự của Nga ước tính lên tới 416 tỷ USD.
Ủy ban PACE khuyến nghị thành lập “một cơ chế bồi thường quốc tế” dưới sự bảo trợ của Hội đồng châu Âu, bao gồm một quỹ ủy thác quốc tế để gửi tài sản Nga do các quốc gia thành viên và không phải thành viên Hội đồng châu Âu nắm giữ và một cơ chế quốc tế “vô tư và hiệu quả”. Theo đó, Ủy ban khiếu nại, hoạt động theo các chuẩn mực tư pháp được công nhận, để xét xử các khiếu nại của Kiev và các thực thể khác bị ảnh hưởng bởi chiến dịch quân sự đặc biệt đã kéo dài gần 2 năm.
PACE kêu gọi các quốc gia thành viên và không phải thành viên EC đang nắm giữ tài sản Nga “tích cực hợp tác” trong việc chuyển những tài sản này sang cơ chế như vậy – với sự hỗ trợ của EU, Mỹ và G7. Ủy ban này viện dẫn luật pháp quốc tế, theo đó, các quốc gia có thẩm quyền ban hành các biện pháp đối phó với quốc gia bị cho vi phạm nghiêm trọng luật quốc tế.
“Bây giờ là lúc các quốc gia thành viên EC chuyển từ biện pháp trừng phạt sang các biện pháp đối phó”, Ủy ban cho biết và nói thêm rằng tính hợp pháp của các biện pháp đối phó đó vẫn “không thể chấp nhận được” trong khuôn khổ quyền miễn trừ chủ quyền.
“Bây giờ là lúc các quốc gia thành viên EC chuyển từ các biện pháp trừng phạt sang các biện pháp đối phó”. Ngoài ra, PACE cũng nói thêm rằng, tính hợp pháp của các biện pháp đối phó như vậy “không thể công kích được” trong khuôn khổ quyền miễn trừ chủ quyền.
Như vậy, EC đã quyết định “đi đầu” trong việc bày tỏ tình đoàn kết với Ukraine và người dân nước này, bằng cách loại Nga khỏi tư cách thành viên của mình và thiết lập “Đăng ký thiệt hại” để ghi lại thiệt hại, mất mát hoặc thương tích của Ukraine, như một bước đầu tiên hướng tới việc buộc Nga phải chịu trách nhiệm về chiến dịch quân sự.
Ủy ban PACE kết luận rằng, với từng bước như vậy sẽ đạt gấp ba mục tiêu là củng cố Ukraine, đảm bảo trách nhiệm giải trình của Nga và ngăn chặn các nguy cơ trong tương lai. Đại Hội đồng toàn châu Âu – quy tụ các nghị sĩ từ 46 quốc gia thành viên sẽ tranh luận về báo cáo này vào thời điểm thích hợp.
Mới đây (24/1), Ủy ban Thượng viện Mỹ cũng đã thông qua đạo luật giúp Washington tịch thu tài sản Nga và giao chúng cho Ukraine để tái thiết sau chiến dịch quân sự do Moscow phát động tại Ukraine.
Nếu Dự luật trên được cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ thông qua, cũng như được Tổng thống Joe Biden ký thành Luật, đạo luật này sẽ mở đường cho việc Washington lần đầu tiên tịch thu tài sản của ngân hàng trung ương từ một quốc gia mà nước này không có chiến tranh.
Trong những ngày đầu của xung đột Nga-Ukraine (2/2022), Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã từng kịch liệt bác bỏ ý tưởng tịch thu tài sản Nga vì cho rằng nó không “được phép về mặt pháp lý”. Nhưng ý tưởng này gần đây đã có động lực mới – được thúc đẩy một phần do Nga vẫn tiếp tục quyết đoán trong cuộc xung đột, một phần động lực là do lo ngại ngày càng tăng về “tương lai ngắn hạn” của nguồn viện trợ cho Kiev từ Mỹ và phương Tây.
Về phía Ukraine, ngày 27/1, trong bài phát biểu video hàng đêm trước quốc dân, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tỏ ra khá sốt ruột, lên tiếng khẳng định rằng – tất cả tài sản Nga và tài sản của các cá nhân có liên kết với Nga phải được sử dụng để bù đắp những gì Moscow đã tạo. Ông Zelensky cũng thúc giục EU về gói trừng phạt mới của đối với Nga.
“Tôi muốn lưu ý kết quả liên lạc với các đối tác của chúng tôi về tài sản Nga. Trong tháng này, chúng tôi đã tiến gần hơn đến quyết định mà chúng tôi cần, đó sẽ là một quyết định công bằng”, ông Zelensky nói.
Theo đó, tất cả tài sản của Nga, kể cả tài sản của các cá nhân liên quan – nằm ở các khu vực pháp lý khác nhau và đang bị đóng băng phải bị tịch thu. Và chúng tôi đang làm mọi thứ để đảm bảo rằng, quyết định này sẽ có kết quả trong tương lai gần”, Tổng thống Ukraine nhấn mạnh.
Nếu tài sản Nga đang bị đóng băng sau cuộc xung đột Nga-Ukraine, bị châu Âu hay Mỹ định đoạt, đây sẽ là một động thái chưa từng có trong luật pháp quốc tế.
Bài viết của Foreignpolicy bình luận, trước đây, việc tịch thu tài sản nhà nước tương tự đã từng xảy ra, đáng chú ý nhất là việc Mỹ thu giữ hàng tỷ đô la từ các quỹ của Iraq được dành để bồi thường cho Kuwait sau xung đột năm 1990. Nhưng khả năng tịch thu hàng trăm tỷ USD – gần một nửa tổng tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga – sẽ là một sự thay đổi đáng kể trong cách các nước phản ứng với một quốc gia khác, với khả năng tái định hình luật pháp quốc tế, liên quan những cuộc xung đột trong tương lai.