Thỏa thuận về gói viện trợ được ký vào chiều 17/3 tại thủ đô Cairo bởi Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sissi và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen. Buổi lễ có sự tham dự của lãnh đạo các nước Bỉ, Ý, Áo, Cyprus và Hy Lạp.
“Chuyến thăm hôm nay đánh dấu một cột mốc rất quan trọng trong mối quan hệ giữa Ai Cập và Liên minh châu Âu”, ông el-Sissi nói với các nhà lãnh đạo châu Âu có mặt tại buổi lễ.
Phái đoàn của EU tại Cairo cho biết gói viện trợ này cung cấp các khoản tài trợ và khoản vay trong 3 năm tới để hỗ trợ nền kinh tế đang suy thoái của Ai Cập. Theo một tài liệu từ phái đoàn EU tại Ai Cập, 5,4 tỷ USD trong gói viện trợ sẽ dành cho hỗ trợ tài chính vĩ mô.
Thỏa thuận này sẽ cung cấp những khoản tiền rất cần thiết vào nền kinh tế Ai Cập, vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi nhiều năm thắt lưng buộc bụng, đại dịch Covid-19, hậu quả từ cuộc xung đột Nga – Ukraine và gần đây nhất là chiến sự giữa Israel – Hamas ở Gaza.
Theo Ủy ban Châu Âu, thỏa thuận này thúc đẩy hợp tác lên cấp độ “đối tác chiến lược toàn diện” giữa hai bên, mở đường cho trong nhiều lĩnh vực kinh tế và phi kinh tế, đồng thời thúc đẩy “dân chủ, các quyền tự do cơ bản, nhân quyền và bình đẳng giới”. Cả hai bên cũng sẽ tăng cường hợp tác để giải quyết các thách thức liên quan đến di cư và khủng bố.
EU sẽ hỗ trợ chính phủ Ai Cập củng cố biên giới, đặc biệt là với Libya, điểm trung chuyển chính của những người di cư từ Châu Phi và Trung Đông. Khối 27 quốc gia cũng sẽ hỗ trợ Ai Cập tiếp đón những người di cư Sudan chạy trốn khỏi những cuộc giao tranh ở nước họ suốt gần một năm. Ai Cập đã tiếp nhận hơn 460.000 người Sudan kể từ tháng 4 năm ngoái.
Thỏa thuận này được đưa ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại rằng cuộc tấn công trên bộ sắp tới của Israel vào thành phố Rafah phía nam Gaza có thể buộc hàng trăm nghìn người phải tràn vào Bán đảo Sinai của Ai Cập. Cuộc chiến Israel – Hamas, hiện đã bước sang tháng thứ sáu, đã đẩy hơn 1 triệu người đến Rafah.
Ai Cập cho biết có 9 triệu người di cư vào nước này, trong đó có khoảng 480.000 người đã đăng ký tị nạn và xin tị nạn với cơ quan tị nạn Liên hợp quốc. Nhiều người trong số những người di cư đã thành lập doanh nghiệp riêng, trong khi những người khác làm công việc bán hàng rong và dọn dẹp nhà cửa.
Trong nhiều thập kỷ, Ai Cập là nơi ẩn náu của những người di cư từ châu Phi cận Sahara đang cố gắng chạy trốn khỏi xung đột hoặc nghèo đói. Ai Cập là điểm đến và thiên đường đối với một số người vì đây là quốc gia gần và dễ tiếp cận nhất. Mặt khác, Ai Cập là điểm quá cảnh trước khi vượt biển Địa Trung Hải đầy nguy hiểm để đến châu Âu.
Đầu tháng 3, Ai Cập đã đạt được thỏa thuận với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IFM) để nâng khoản hỗ trợ từ 3 tỷ USD lên 8 tỷ USD sau các cuộc đàm phán kéo dài. Thỏa thuận với IMF được kết hợp với các cải cách kinh tế bao gồm việc thả nổi đồng bảng Ai Cập và tăng mạnh lãi suất chính.
Hoài Phương (theo AP)