Bloomberg dẫn nguồn thạo tin cho hay, EU dường như đang tụt lại phía sau kế hoạch cung cấp cho Ukraine 1 triệu quả đạn pháo vào tháng 3/2024.
Trước đó, EU công bố kế hoạch sẽ cấp cho Ukraine lượng đạn nói trên trong 12 tháng. Ban đầu, đạn sẽ được lấy từ các kho dự trữ hiện có, sau đó bù đắp thông qua các hợp đồng mua sắm chung cũng như tăng cường năng lực công nghiệp quốc phòng.
Tuy nhiên, nguồn tin nói rằng, kế hoạch của EU tới nay mới chỉ đạt được 30% tiến độ. Dựa vào số lượng hợp đồng đã ký tới thời điểm này, EU đang đối mặt với kịch bản không đạt được mục tiêu đề ra.
Giới chức phương Tây dường như lo ngại về việc Nga gia tăng sản xuất đạn pháo sẽ khiến nỗ lực phản công của Ukraine trở nên thách thức hơn nữa. Ukraine hiện phụ thuộc phần lớn vào đạn dược do phương Tây viện trợ khi kho vũ khí từ thời Liên Xô đang cạn dần.
Theo Bloomberg, một số quốc gia thành viên EU dường như đã yêu cầu bộ phận chính sách đối ngoại của liên minh gia hạn thời hạn cho các hợp đồng.
Các nguồn tin cho biết, Mỹ, quốc gia đang tìm cách tăng sản lượng của mình lên khoảng 1 triệu quả đạn mỗi năm vào năm 2024, đã kêu gọi EU tăng cường nỗ lực sản xuất. Nhà Trắng đã từ chối bình luận về thông tin này.
Với việc cuộc phản công của Ukraine chỉ đạt được tiến triển hạn chế và các đồng minh của nước này đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột kéo dài, nguồn cung cấp đạn dược mà EU hứa hẹn rất quan trọng để giúp Ukraine theo kịp sản lượng của Nga.
Một số ước tính cho thấy các nhà máy của Nga sẽ giao 2 triệu quả đạn pháo vào năm tới, trong khi phương Tây nghi ngờ Moscow nhận được nguồn cung Triều Tiên. Cả Moscow và Bình Nhưỡng đều phủ nhận cáo buộc này.
Một số quốc gia thành viên EU chưa công bố dữ liệu cụ thể về nguồn vũ khí họ đã cung cấp hoặc các hợp đồng họ đã ký.
Khoảng 10 quốc gia, bao gồm các nước vùng Baltic, Đức, Hà Lan và Ba Lan, đã cung cấp hoặc đang có kế hoạch cung cấp từ 300.000 đến 400.000 viên đạn, chủ yếu theo sáng kiến của EU.
Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch và Na Uy đã đặt hàng các nhà thầu hợp đồng trị giá 52 triệu euro và việc sản xuất sẽ bắt đầu vào năm tới.
Một nguồn tin cho biết, giá đạn dược đã tăng cao kể từ khi sáng kiến này được đưa ra, đồng nghĩa với việc ngân sách hiện tại có thể không đủ đáp ứng mục tiêu.
Trong khi đó, NATO đang thúc đẩy các quốc gia thành viên của mình không áp dụng chính sách bảo hộ với ngành quốc phòng và đồng ý về một tiêu chuẩn duy nhất cho đạn pháo để tăng sản lượng.
Theo chuyên gia Stephen Bryen tại Trung tâm Chính sách An ninh và Viện Yorktown (Mỹ), cuộc xung đột Nga – Ukraine cho thấy, năng lực sản xuất quốc phòng của phương Tây chưa có sự chuẩn bị cho cuộc chiến lớn.
Mỹ và các đồng minh đã dồn hàng loạt vũ khí, khí tài trong kho tới Ukraine trong hơn 20 tháng qua và nhiều quốc gia đã đối mặt với tình trạng cạn kiệt đạn dược.
Tuy nhiên, năng lực sản xuất bù đắp của phương Tây còn là một dấu hỏi lớn. Các ngành công nghiệp của họ không ở trong giai đoạn thời chiến trong hàng chục năm và việc tăng tốc sản xuất vũ khí cho Ukraine hay để bảo vệ an ninh quốc gia của các nước này cũng như của khối là một dấu hỏi lớn.