Lượng dầu Nga xuất sang Triều Tiên tăng 4 lần, Ukraine gặp ‘cửa khó’ trong việc bán ngũ cốc, CPI Mỹ tăng mạnh nhất hơn 1 năm, Trung Quốc đón tin vui… là những tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.
Tháng 7/203, lượng dầu qua chế biến của Nga xuất sang Triều Tiên tăng tới bốn lần so với tháng trước đó. (Nguồn: nhk-maritime.com) |
Kinh tế thế giới
Nắng nóng gay gắt đe dọa an ninh năng lượng toàn cầu
Theo hãng tin Bloomberg, nắng nóng gay gắt đang đe dọa an ninh năng lượng toàn cầu. Nhiệt độ tăng cao khắp nơi trong mùa Hè năm nay làm gia tăng nỗi lo đối với hệ thống năng lượng, là mối đe dọa đối với nguồn cung nhiên liệu.
Ngoài việc khiến nhu cầu điện tăng đột biến ở khắp nơi, nắng nóng còn dẫn đến tình trạng làm gián đoạn hoạt động của hàng loạt nhà máy lọc dầu. Điều đó làm giá xăng của Mỹ tăng cao và giá dầu diesel đã tăng nhanh hơn giá dầu thô.
Theo Macquarie Group, sức nắng nóng thiêu đốt đã làm các nhà máy lọc dầu phải cắt giảm hoạt động trong tháng 6 và tháng 7/2023. Việc ngừng hoạt động đã ảnh hưởng đến hệ thống lọc dầu vốn đã bị thiếu đầu tư trong nhiều năm và thị trường sản phẩm dầu mỏ vốn đã bị thắt chặt do cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Theo ước tính, hoạt động chế biến dầu thô ở châu Âu trong mùa Hè năm nay đã giảm 700.000 thùng/ngày so với năm ngoái. Cùng với việc hạn chế nguồn cung, nhiệt độ tăng đang thúc đẩy nhu cầu về dầu nhiên liệu được sử dụng để sản xuất điện ở Trung Đông và Nam Á; làm tăng thêm chi phí vận tải trên các tuyến đường thủy quan trọng do các sông Rhine và kênh đào Panama bị nắng nóng làm cho cạn kiệt.
Nhiệt độ cực cao vẫn là vấn đề lâu dài đối với lưới điện hơn là đối với các nhà máy lọc nhiên liệu, nhưng tác động của nó đối với thị trường nhiên liệu đã tăng lên do lượng dự trữ giảm dần, lượng sản phẩm tồn kho của Mỹ, bao gồm cả dầu diesel, đang ở gần mức thấp nhất theo mùa trong 5 năm.
Sự gián đoạn hoạt động của các nhà máy lọc dầu gia tăng do thời tiết càng làm nổi bật các thách thức trong bối cảnh thế giới nỗ lực loại bỏ nhiên liệu hóa thạch và đối phó với tác động của loại nhiên liệu này đối với khí hậu. (Bloomberg)
Kinh tế Mỹ
* Báo cáo mới nhất do Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 13/9 cho thấy, giá tiêu dùng tại nước này trong tháng 8/2023 đã tăng mạnh nhất trong hơn một năm do giá xăng tăng cao, nhưng việc lạm phát cơ bản chỉ tăng khiêm tốn có thể khuyến khích Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giữ nguyên lãi suất ở mức hiện tại.
Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tháng trước đã tăng 0,6% so với tháng 7, đánh dấu mức tăng lớn nhất kể từ tháng 6/2022 tới nay và phù hợp với dự báo thị trường.
So với cùng kỳ tháng 8/2022, CPI của Mỹ đã tăng 3,7% sau khi tăng 3,2% trong tháng Bảy. Trong khi con số trên đã giảm từ mức đỉnh 9,1% ghi nhận hồi tháng 6/2022, lạm phát tại Mỹ vẫn cao hơn mục tiêu 2% do Fed đặt ra. (Reuters/AFP)
Kinh tế Trung Quốc
* Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) hôm 11/9 cho biết sẽ tăng cường quản lý và giám sát hoạt động đầu tư có thể tác động bất lợi tới giá trị của đồng NDT, giữa bối cảnh đồng nội tệ của nước này liên tục biến động.
Đồng NDT, tuần trước đã nhanh chóng chạm mức thấp nhất gần 16 năm so với đồng USD. Đồng tiền này đã phải chịu áp lực đi xuống khi PBoC hạ lãi suất để hỗ trợ đà hồi phục của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trong một tuyên bố, PBoC cho biết đã triệu tập một “cuộc họp đặc biệt” để thảo luận về “tình hình gần đây trên thị trường ngoại hối và các vấn đề xung quanh tỷ giá hối đoái của đồng NDT”.
PBoC khẳng định: “Các cơ quan quản lý tài chính Trung Quốc có đủ năng lực, sự tự tin và nguồn lực để duy trì sự ổn định của tỷ giá đồng NDT và có hành động khi cần thiết”. (AFP)
* Theo Cơ quan Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS), CPI của nước này trong tháng 8/2023 tăng 0,1% so với một năm trước đó, đảo chiều từ mức giảm 0,3% trong tháng 7/2023, nhưng thấp hơn nhiều so với mục tiêu hàng năm của chính phủ.
Trong khi đó, chỉ số giá sản xuất (PPI) giảm tháng thứ 11 liên tiếp trong tháng 8 vừa qua, với mức giảm 3%, so với mức giảm 4,4% trong tháng 7/2023. Như vậy, đà giảm của PPI đã được được thu hẹp lại. Bắc Kinh đặt mục tiêu kiểm soát CPI ở mức tăng khoảng 3% cho năm 2023. (Reuters)
Kinh tế châu Âu
* Ủy ban châu Âu (EC) ngày 11/9 đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 và 2024 của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), với tình hình không mấy tích cực của kinh tế Đức đã tác động đến Eurozone.
Theo dự báo của EC, kinh tế Eurozone và kinh tế Liên minh châu Âu (EU) sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong năm 2023 nhưng sẽ thấp hơn dự đoán đưa ra trước đó. Cụ thể, EC đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Eurozone trong năm 2023 xuống còn 0,8%. Hồi tháng 5/2023, EC cho biết kinh tế Eurozone sẽ tăng trưởng khoảng 1,1% trong năm 2023.
Tăng trưởng kinh tế EU trong năm 2023 cũng được điều chỉnh xuống còn 0,8%, so với dự đoán tăng trưởng khoảng 1% trước đó. Còn với năm 2024, kinh tế Eurozone sẽ tăng trưởng 1,3%, thấp hơn so với dự báo trước đó là tăng trưởng 1,6%. (Reuters)
* Ủy viên Nông nghiệp của EU Janusz Wojciechowski ngày 12/9 cho rằng, EC nên gia hạn lệnh cấm tạm thời đối với hàng nhập khẩu của Ukraine tại 5 quốc gia láng giềng thuộc EU, vì biện pháp này giúp thúc đẩy xuất khẩu bên ngoài khối.
Ukraine đã trở nên hoàn toàn phụ thuộc vào các tuyến đường thay thế của EU, được gọi là Solidarity Lanes (các Làn Đoàn kết), để xuất khẩu ngũ cốc sau khi Nga rút khỏi Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen. Điều này khiến nông dân ở các nước láng giềng là Ba Lan, Hungary, Romania, Bulgaria và Slovakia phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ ngũ cốc Ukraine trên chính thị trường của họ.
EC đã công bố “các biện pháp phòng ngừa tạm thời” vào tháng Năm, theo đó sẽ cấm bán hàng hóa nông sản của Ukraine vào 5 quốc gia này, trong khi cho phép quá cảnh sang các thị trường ngoài EU, chủ yếu là châu Phi. (TTXVN)
* Mới đây, Bộ Kinh tế Nga đã nâng dự báo lạm phát năm 2023 lên 7,5% từ mức 5,3% được công bố vào tháng 4/2023 và nâng dự báo lạm phát năm 2024 lên 4,5% từ mức 4,0%.
Bên cạnh đó, bộ trên cũng dự báo đồng Ruble sẽ sụt giảm. Sau khi đồng Ruble giảm xuống dưới 100 Ruble đổi 1 USD vào tháng 8/2023, Ngân hàng trung ương Nga đã liên tiếp tăng lãi suất với mức tăng tổng cộng 350 điểm cơ bản lên 12% trong cuộc họp ngày 15/8. Đồng Ruble được giao dịch khoảng 95 Ruble/USD trong ngày 12/9.
Trong bối cảnh lo ngại khi đồng nội tệ mất giá và lạm phát cao, Bộ kinh tế Nga đã nâng dự báo tăng trưởng cho năm 2023 và 2024 nhưng lại hạ dự báo năm 2025 và 2026. (Reuters)
* Nguồn tin báo chí Hàn Quốc dẫn số liệu do Ủy ban trừng phạt Triều Tiên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) công bố cho thấy, lượng dầu qua chế biến của Nga xuất sang Triều Tiên đã tăng tới bốn lần – từ lần lượt 2.593 thùng và 2.305 thùng trong tháng 5 và tháng 6/2023 lên 10.933 thùng trong tháng 7.
Xuất khẩu dầu tinh chế của Nga sang Triều Tiên đã giảm sau khi đạt mức 44.000 thùng vào tháng 1/2023, nhưng rồi phục hồi mạnh trở lại vào tháng 7. Trong 7 tháng của năm 2023, lượng dầu tinh chế mà Triều Tiên nhập khẩu từ Nga ước tính khoảng 79.904 thùng.
Tính chung cả lượng dầu nhập khẩu từ Trung Quốc, Triều Tiên đã nhập tổng số 173.694 thùng dầu, tương đương 35% mức giới hạn 500.000 thùng/năm do Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đặt ra. (TTXVN)
* Hãng tin Reuters mới đây cho hay, EU không có ý định gia hạn các biện pháp trừng phạt đối với các doanh nhân Nga gồm Grigory Berezkin, cựu Giám đốc Ozon Aleksandr Shulgin và Farhad Akhmedov. Theo đó, các biện pháp trừng phạt đối với 3 người này sẽ hết hạn vào ngày 15/9.
Tòa án Công lý châu Âu trước đó đã quyết định gỡ bỏ các lệnh trừng phạt mà EU áp đặt đối với ông Shulgin, nhưng ông này sẽ vẫn nằm trong danh sách đen ít nhất 2 tháng.
Năm ngoái, hơn 60 doanh nhân, trong đó có ông Berezkin đã đệ đơn kiện lên Tòa án Công lý châu Âu để phản đối việc họ bị đưa vào danh sách trừng phạt của EU. Các doanh nhân cho rằng các quyền cơ bản của họ đã bị vi phạm, đặc biệt là tài sản của họ ở EU đã bị phong tỏa trái phép. (Reuters)
Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc
* Chính phủ Nhật Bản đã bắt đầu xem xét việc mở cửa ngành vận tải cho các tài xế xe tải, xe buýt và taxi nước ngoài bằng cách bổ sung ngành nghề này vào danh mục visa kỹ năng đặc định, tình trạng cư trú dành cho lao động nước ngoài sẵn sàng làm việc ngay tại các ngành đang gặp khó khăn trong việc đảm bảo lao động.
Trong bối cảnh thiếu lao động nghiêm trọng, Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản đang thảo luận vấn đề này với Cục Xuất nhập cảnh. Chính phủ đặt mục tiêu thực hiện thay đổi chính sách nêu trên vào cuối năm tài chính hiện hành (kết thúc vào tháng 3/2024). (Kyodo)
* Nền kinh tế Nhật Bản tăng trưởng thấp hơn ước tính ban đầu trong quý II/2023 và tiền lương giảm trong tháng 7/2023, làm dấy lên quan ngại về dự báo của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) cho rằng nhu cầu nội địa vững sẽ giúp kinh tế đất nước tiếp tục phục hồi.
Dữ liệu Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã điều chỉnh vừa công bố cho thấy chi tiêu vốn và tiêu dùng tư nhân đều giảm trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6/2023, nhấn mạnh tình trạng “mong manh” của nền kinh tế đất nước Mặt trời mọc.
Số liệu cũng cho thấy tiền lương thực tế được điều chỉnh theo lạm phát đã giảm trong tháng 7/2023 và là tháng thứ 16 liên tiếp giảm. (Reuters)
Chi tiêu vốn và tiêu dùng tư nhân tại Nhật Bản đều giảm trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6/2023. (Nguồn: Getty) |
* Phát biểu trong phiên khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Hợp tác kinh tế Hàn Quốc-châu Phi (KOAFEC) năm 2023 vào ngày 13/9 tại Busan, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng MOEF Choo Kyung-ho đã công bố gói hỗ trợ tài chính trị giá 6 tỷ USD trong hai năm tới cho châu Phi. Đây là một phần của các kế hoạch hành động có trong tuyên bố chung về hợp tác Hàn Quốc-châu Phi.
Khoản viện trợ từ năm 2024 đến năm 2025 sẽ được thực hiện thông qua nhiều sáng kiến của Hàn Quốc nhằm nỗ lực xây dựng năng lực ở châu Phi, như Quỹ ủy thác KOAFEC, Chương trình chia sẻ kiến thức và Quỹ hợp tác phát triển kinh tế. Theo tuyên bố chung, quỹ trị giá 6 tỷ USD sẽ được sử dụng cho quá trình chuyển đổi năng lượng, đổi mới nông nghiệp và phát triển kiến thức. (Yonhap/TTXVN)
Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
* Phát biểu tại phiên điều trần trước Quốc hội ngày 12/9, Thứ trưởng Thương mại Indonesia Jerry Sambuaga cho biết, nước này đang thảo luận việc cấm giao dịch hàng hóa trên mạng xã hội theo các quy định thương mại mới. Theo ông Jerry, các bộ trưởng đã nhấn mạnh việc lợi dụng các nền tảng mạng xã hội để bán hàng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người dân và kênh bán hàng truyền thống của Indonesia.
Phía chuyên gia lại đánh giá động thái đó có thể ảnh hưởng lớn đến hoạt động thương mại điện tử của Indonesia. Theo dữ liệu từ công ty tư vấn Momentum Works, với dân số hơn 270 triệu người, Indonesia đã ghi nhận giá trị giao dịch thương mại điện tử đạt gần 52 tỷ USD vào năm 2022.
Trong số đó, 5% diễn ra trên TikTok, chủ yếu thông qua phát trực tiếp. Theo dự báo, ngành thương mại điện tử của Indonesia sẽ tăng lên 95 tỷ USD vào năm 2025. (TTXVN)
* Ngày 11/9, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, trong kế hoạch kinh tế của chính phủ giai đoạn 2023-2025, nước này có kế hoạch cấm xuất khẩu nguyên liệu đất hiếm và hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp đất hiếm. Ông khẳng định lệnh cấm nói trên sẽ “đảm bảo mang lại lợi nhuận tối đa cho đất nước”.
Malaysia sẽ tiến hành “lập bản đồ chi tiết các nguồn nguyên tố đất hiếm” và phát triển một kế hoạch toàn diện để xác định cách khai thác tốt nhất nguồn tài nguyên này. Tuy nhiên, ông Anwar không cho biết khi nào lệnh cấm sẽ có hiệu lực. (TTXVN)
* Phát biểu trước Quốc hội Thái Lan ngày 12/9, tân Thủ tướng Srettha Thavisin khẳng định, Chính phủ sẽ yêu cầu người sử dụng lao động tăng mức lương tối thiểu hằng ngày lên mức 400 Baht (khoảng 11,4 USD) càng sớm càng tốt.
Thủ tướng Thái Lan lưu ý thêm rằng, việc tăng lương không chỉ góp phần đáp ứng nhu cầu của người lao động mà còn là một trong những biện pháp kích thích kinh tế của chính phủ.
Trước đó, trong quá trình vận động tranh cử, đảng Pheu Thai đã đưa ra chính sách tăng mức lương tối thiểu hàng ngày lên 600 Baht (17,1 USD) vào năm 2027. (TTXVN)