Căng thẳng ở Biển Đỏ chỉ ngày càng tăng chứ không giảm theo sau chiến dịch quấy rối kéo nhiều tháng qua của Houthi nhằm vào các tàu qua lại một trong những tuyến hàng hải đông đúc nhất thế giới, đặc biệt là sau vụ việc 3 thủy thủ trên tàu dân sự thiệt mạng vì tên lửa của phiến quân.
EU, với sứ mệnh hải quân phòng thủ Aspides (Lá chắn) ở Biển Đỏ đã được triển khai gần 3 tuần trước, được cho là cần phải chuẩn bị tinh thần vì đây sẽ là một sứ mệnh dài hơi và nguy hiểm.
“Thảm kịch không may có khả năng xảy ra”
“Đây là chiến dịch hải quân nguy hiểm nhất mà EU thực hiện cho đến nay”, ông Alessandro Marrone, Giám đốc chương trình quốc phòng tại tổ chức tư vấn Istituto Affari Internazionali của Italy, cho biết.
Theo ông Marrone, vụ việc cướp đi sinh mạng của 3 thủy thủ – 2 người Philippines và một người Việt Nam – trên tàu True Confidence treo cờ Barbados do Hy Lạp điều hành, là một “thảm kịch không may có khả năng xảy ra”.
Sứ mệnh Aspides của EU, được triển khai hôm 19/2, nhằm bảo vệ quyền tự do hàng hải ở Biển Đỏ và Vịnh Aden, một khu vực chìm trong bất ổn kể từ tháng 10 khi phiến quân Houthi bắt đầu nhắm mục tiêu vào các tàu đang di chuyển trên tuyến đường này bằng một loạt các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa.
Houthi, một nhóm phiến quân thân Iran đang kiểm soát một phần của Yemen, nói rằng các cuộc tấn công của họ là để phản ứng với cuộc tấn công của Israel vào Dải Gaza. Trong khi Houthi ban đầu tuyên bố các cuộc tấn công của họ nhắm vào các tàu do Israel sở hữu, nhiều tàu do người châu Âu điều hành đã bị nhắm mục tiêu trong 5 tháng qua.
Với 12% thương mại toàn cầu và tới 30% lưu lượng container toàn cầu đi qua tuyến hàng hải quan trọng này, các cuộc tấn công của Houthi đã đe dọa làm gián đoạn nghiêm trọng dòng chảy thương mại vào châu Âu.
Các tàu chiến của Pháp, Đức, Hy Lạp, Tây Ban Nha và Italy hiện đang có mặt trong khu vực. Một tàu khu trục nhỏ của Bỉ được cho là đã rời cảng Zeebrugge hôm 10/3 để gia nhập Aspides.
Các tàu chiến châu Âu đã nhiều lần tiêu diệt máy bay không người lái của Houthi, thậm chí có một số trường hợp xảy ra trước khi sứ mệnh chính thức được triển khai.
Tuy nhiên, khu vực Biển Đỏ ngày càng trở nên đông đúc và ngày càng có nhiều nguy cơ xảy ra các vụ “quân ta đánh quân mình”. Điển hình là vào ngày 28/1, tàu chiến Đức đã bắn nhầm máy bay không người lái của Mỹ.
Cũng hiện diện trong khu vực hàng hải này còn có lực lượng phòng thủ do Mỹ dẫn đầu mang tên Chiến dịch Người bảo vệ thịnh vượng (OPG), bao gồm tới 8 tàu khu trục và ít nhất một chục tàu chiến Ấn Độ ở phía Đông Biển Đỏ được triển khai để chống nạn cướp biển.
Hải quân Ấn Độ đã hỗ trợ các tàu gặp nạn và sơ tán 20 thành viên thủy thủ đoàn True Confidence còn sống sót sau vụ tập kích tên lửa của Houthi hôm 6/3. Ngoài 3 thuyền viên thiệt mạng, 4 người khác cũng bị bỏng nặng.
Vụ việc báo hiệu những rủi ro ngày càng tăng liên quan đến việc tàu thuyền di chuyển qua Biển Đỏ, sau khi tàu chở hàng Rubymar bị chìm hôm 18/2, vài ngày sau khi bị tên lửa Houthi bắn trúng ngoài khơi Yemen.
Chính phủ Mỹ cho biết chiếc mỏ neo được kéo từ tàu Rubymar có thể là nguyên nhân gây hư hỏng các tuyến cáp thông tin liên lạc dưới biển hôm 5/3. Thiệt hại ảnh hưởng đến 25% luồng dữ liệu qua Biển Đỏ.
Cần nỗ lực chính trị và quân sự nhất định
Các cuộc tấn công của Houthi trên Biển Đỏ, bắt đầu không lâu sau khi khói lửa chiến tranh tái bùng phát ở Gaza hồi tháng 10 năm ngoái, đã khiến chi phí bảo hiểm tăng cao và buộc một số tàu phải đi đường vòng quanh Mũi Hảo Vọng ở Nam Phi.
“Chi phí gia tăng cho đến nay đã được thị trường hấp thụ nhưng chúng có khả năng tạo ra sự gián đoạn”, ông Chitrapu Uday Bhaskar, một sĩ quan Hải quân Ấn Độ đã nghỉ hưu và là Giám đốc Hiệp hội Nghiên cứu Chính sách có trụ sở tại New Delhi, cho biết. “Những cuộc tấn công phi nhà nước như thế này đặt ra một thách thức thực sự phức tạp đối với hải quân trên toàn thế giới và hoạt động vận tải thương mại nói chung”.
Việc triển khai sứ mệnh hải quân nhằm mục đích “duy trì sự hiện diện và gửi tín hiệu rằng các cường quốc sẽ không cho phép sự gián đoạn này vượt quá một điểm nhất định”.
Việc triển khai quốc tế nhanh chóng sau các cuộc tấn công của Houthi có thể đã góp phần kiểm soát tác động kinh tế, ông Marrone nói. Tuy nhiên, ông cũng cho biết nhận thức về rủi ro mới mà Hải quân châu Âu phải đối mặt hiện còn khá thấp ở các thủ đô của lục địa này.
Ông Marrone ước tính tổng số nhân viên châu Âu được triển khai giữa trụ sở chính ở Larissa, Hy Lạp và trên biển vào khoảng 1.000 người.
“Rủi ro tương đối thấp vì tàu chiến được trang bị tốt. Nhưng nó không phải là rủi ro bằng 0. Đó là một cuộc xung đột chống lại các chủ thể bán nhà nước”, ông Marrone nói thêm.
Cần phải làm nhiều hơn nữa để có sự phối hợp tốt hơn giữa các đối tác nhằm tránh lặp lại sự cố Đức-Mỹ ngày 28/1. “Có nguy cơ xảy ra tình trạng quân ta đánh quân mình cao vì mỗi nhiệm vụ có một chuỗi chỉ huy khác nhau”, ông Marrone nói.
Phát biểu hôm 8/3 tại lễ khởi động chiến dịch viện trợ hàng hải cho Gaza do Síp dẫn đầu, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết, bà đã liên lạc thường xuyên với Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El Sisi và Vua Abdallah II của Jordan.
“Tình hình ở Biển Đỏ đặc biệt đáng lo ngại khi an ninh hàng hải ngày càng xấu đi và cơ sở hạ tầng quan trọng bị hư hại do các cuộc tấn công liên tục của Houthi”, bà von der Leyen nói.
Hải quân triển khai ở Biển Đỏ phải sẵn sàng cho “cam kết lâu dài”, ông Marrone nói. “Ngay cả khi cuộc chiến ở Dải Gaza giảm cường độ, căng thẳng vẫn sẽ xảy ra”, người đứng đầu tổ chức tư vấn Istituto Affari Internazionali của Italy cho biết, và chỉ ra mối liên hệ của Houthi với Iran.
“Điều này không chỉ là quản lý khủng hoảng ngắn hạn”, ông nói. “Người châu Âu sẽ cần phải dự đoán trước việc luân chuyển các tàu chiến và quân đội luân phiên để đảm bảo họ có đủ đạn dược hải quân – tên lửa, ngư lôi, đạn pháo. Điều đó đòi hỏi một nỗ lực chính trị và quân sự nhất định”.
Một đại diện của Cơ quan Hành động Đối ngoại EU đã không trả lời các câu hỏi về việc Sứ mệnh Aspides dự kiến sẽ tồn tại trong bao lâu hoặc tổng số nhân sự của cơ quan này.
“Bất kỳ quyết định nào sau đó đều được đưa ra bởi sự nhất trí của tất cả các quốc gia thành viên”, vị đại diện cho biết. “Các quốc gia thành viên cũng đang trang bị dựa trên năng lực của họ phù hợp với nhiệm vụ và nhu cầu của sứ mệnh”.
Minh Đức (Theo National News, Euronews)