Trên địa bàn một số huyện miền núi xứ Thanh đã và đang triển khai nhiều mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao đời sống Nhân dân.
Người dân xã Xuân Dương (Thường Xuân) áp dụng khoa học - kỹ thuật để chăm sóc cây trồng.
Năm 2020, gia đình anh Lương Văn Tưởng ở thôn Đức Thịnh, xã Kiên Thọ (Ngọc Lặc) đã chuyển đổi 4ha đất nông nghiệp hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cam và một số cây ăn quả khác. Trong quá trình sản xuất, anh Tưởng áp dụng những kiến thức đã được tập huấn vào quy trình chăm sóc, bảo vệ cây trồng. Với quy trình chăm sóc khoa học nên vườn cam của gia đình năm nào cũng trĩu quả, sản lượng liên tục tăng qua các năm.
Theo anh Tưởng, để cây cam phát triển tốt, cho năng suất cao, đòi hỏi người trồng phải áp dụng quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt. Trong đó yếu tố quan trọng nhất để cây phát triển như mong muốn là theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết và chọn thời điểm chăm sóc. Hạn chế sử dụng phân bón hóa học mà thường xuyên bón phân hữu cơ để tăng chất dinh dưỡng cho cây cùng với đó là lắp đặt hệ thống tưới tự động để giảm chi phí và công lao động... Hiện tại, với 4ha cam canh, gia đình anh Tưởng cho thu hoạch trên 10 tấn quả, trừ chi phí thu lãi khoảng 300 triệu đồng/năm.
Bà Phan Thị Hà, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ngọc Lặc cho biết: Chuyển giao tiến bộ KH&CN để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nhất là trên lĩnh vực nông nghiệp, huyện Ngọc Lặc đã ban hành Quyết định số 2179/QĐ-UBND, ngày 4/6/2019 về việc tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đến nay, toàn huyện có gần 3.000ha đất nông nghiệp được tích tụ, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, từ đó đã hình thành nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cụ thể như mô hình trồng măng tây theo hướng công nghệ cao ở xã Ngọc Liên, Minh Sơn; mô hình trồng dưa kim hoàng hậu theo hướng công nghệ cao và mô hình trồng cây dược liệu tại xã Kiên Thọ; Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm Sông Âm áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất trên 800ha vải không hạt, thanh long ruột đỏ, dứa gai, bơ tứ quý...
Huyện Ngọc Lặc cũng chỉ đạo các xã, thị trấn tiếp nhận và ứng dụng công nghệ để hướng dẫn cho người dân canh tác; chuyển giao khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới, giống mới vào sản xuất... từ đó góp phần nâng cao năng suất sản phẩm nông nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Huyện Ngọc Lặc chỉ là một trong rất nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như huyện Như Thanh triển khai mô hình trồng dưa các loại tại xã Phú Nhuận; mô hình trồng quýt ngọt tại xã Yên Lạc; mô hình chăn nuôi gà tại xã Xuân Du, của Công ty Nông sản sạch Anh Phát. Huyện Bá Thước triển khai mô hình sản xuất giống và trồng dược liệu. Huyện Thạch Thành triển khai mô hình sản xuất, chế biến và tiêu thụ nấm ăn, nấm dược liệu theo hướng công nghiệp; mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm tại 6 xã đặc biệt khó khăn. Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên với mô hình nuôi nhím, nhân giống cây lâm nghiệp, trồng rừng thâm canh và phát triển kinh tế theo hướng sinh thái tổng hợp phục vụ phát triển, ổn định kinh tế - xã hội vùng đệm...
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 cũng đã khẳng định, việc nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao KH&CN; tham gia cuộc cách mạnh công nghiệp lần thứ tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững là một trong 3 khâu đột phá. Để nghị quyết đi vào thực tiễn, các cấp, ngành, địa phương đã cụ thể hóa thành nhiều chương trình, kế hoạch nhằm đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất, nhất là trên lĩnh vực nông nghiệp.
Một trong những đơn vị tiên phong trong việc áp dụng KH&CN vào lĩnh vực nông nghiệp đó là Tỉnh đoàn Thanh Hóa thực hiện thành công Dự án “Ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình trồng thâm canh giống cam CS1 theo tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Như Xuân”. Hay như Học viện Nông nghiệp Việt Nam đang nghiên cứu thử nghiệm một số giống diêm mạch (nhập nội trên vùng đất khô hạn, nghèo dinh dưỡng); mô hình sản xuất thử nghiệm giống ngô nếp lai thương phẩm VNUA69... và hiện nay đang thực hiện Đề án “Phát triển bền vững nông nghiệp, kinh tế nông thôn và nông dân gắn với chuyển đổi số quốc gia, đô thị hóa và thích ứng với biến đổi khí hậu...
Được biết, trong giai đoạn 2016-2024, đội ngũ trí thức KH&CN Thanh Hóa đã thực hiện khoảng 400 nhiệm vụ KH&CN. Trong đó có nhiều đề tài, dự án có giá trị, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao năng lực cộng đồng, xóa đói, giảm nghèo và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần quan trọng thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh.
Bài và ảnh: Xuân Minh
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/ung-dung-kh-amp-cn-trong-phat-trien-kinh-te-nong-nghiep-o-khu-vuc-mien-nui-238816.htm
Kommentar (0)