El rico sabor del Tet

Việt NamViệt Nam01/02/2025


(QBĐT) - Trải qua lịch sử hình thành hàng trăm năm, các làng nghề truyền thống không chỉ tạo việc làm cho người lao động mà còn là nơi lưu giữ những tinh hoa văn hóa dân tộc. Mỗi dịp Tết đến, xuân về, các làng nghề sản xuất hàng hóa phục vụ thị trường Tết lại tất bật chạy đua với thời gian để sản xuất kịp phục vụ nhu cầu tiêu dùng.

"Mùi Tết" nơi những làng nghề

Làng Tân An, xã Quảng Thanh (Quảng Trạch) đã tồn tại hơn 100 năm nay. Nghề làm bánh truyền thống của làng đã nuôi sống biết bao thế hệ người dân ven dòng sông Gianh. Làng nghề hoạt động quanh năm nhưng dịp Tết cổ truyền là thời gian mà các xưởng chế biến bánh tráng, bánh đa nem hoạt động sôi động hơn cả. Những người thợ hăng say làm việc cả ngày lẫn đêm quên cả rét và mệt. Ven đường làng, ngõ xóm, vùng đất trống, những phên phơi bánh phủ kín cả một vùng nhằm tranh thủ ánh nắng mai của những ngày đông.

Hợp tác xã Làng nghề bánh mè xát Tân An (HTX Tân An) là cơ sở có quy mô lớn nhất làng nghề với 15 thành viên và 17 hệ thống máy sản xuất bánh liên hoàn. Chị Phan Thị Cẩm Tú, Giám đốc HTX cho biết: Cuối năm là khoảng thời gian cao điểm phục vụ thị trường Tết, HTX cũng phải nỗ lực cao độ để kịp thời hạn giao hàng. Từ trước Tết hơn 2 tháng, đều đặn hàng ngày, HTX đều làm việc từ sáng sớm tới tối mịt. Ngày thường, HTX sản xuất khoảng 3 tấn gạo/ngày nhưng dịp cuối năm, sản lượng phải gấp đôi mới cung ứng đủ cho thị trường Tết. Bánh ở làng nghề Tân An đủ chủng loại, từ bánh mè đen, mè vàng, mè xát đến bánh cuốn rau và bánh đa nem các loại. Sự bận rộn trong mỗi mùa Tết nơi đây không chỉ khẳng định tên tuổi mà còn mang giá trị tinh thần xuyên suốt của một làng nghề lâu đời; chứa đựng sự tâm huyết và niềm tự hào của người dân Tân An.

Ven đường làng, ngõ xóm, vùng đất trống, những phên phơi bánh phủ kín cả một vùng.
Ven đường làng, ngõ xóm, vùng đất trống, những phên phơi bánh phủ kín cả một vùng.

Hiện, thôn có 320/360 hộ dân làm nghề sản xuất bánh, bún; giải quyết việc làm cho gần 1.000 lao động địa phương. Đầu năm 2019, bánh mè xát của HTX Tân An là sản phẩm đầu tiên của huyện Quảng Trạch được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Nhờ đó, sản phẩm được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn.

Cũng như làng nghề Tân An, mỗi dịp Tết đến, xuân về, làng hương Quyết Thắng, xã Thanh Trạch (Bố Trạch) lại nhộn nhịp, tấp nập hơn hẳn. Mùi hương trầm ngào ngạt quyện khắp các ngả đường.

Mùi thơm thoang thoảng, ngan ngát của bột trầm cùng tiếng lách cách phát ra từ những dụng cụ sản xuất hương thủ công đã thu hút chúng tôi đến với gia đình ông Nguyễn Văn Thức, người có hơn 50 năm gìn giữ nghề làm hương. Ông Thức chia sẻ: “Gia đình tôi qua bao thế hệ gìn giữ, phát triển nghề làm hương. Không biết nghề có từ bao giờ, chỉ biết từ khi còn cắp sách tới trường, tôi đã được bố mẹ dạy cho cách se hương, rồi dần dần quen nghề, thạo nghề và yêu nghề. Hương trầm quê tôi được làm từ các loại nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên: Cây hương bài, tre, tinh bột sắn đỏ... Để có được những cây hương trầm mang mùi thơm đặc biệt, người làm hương phải cầu kỳ trong từng công đoạn, từ khâu chuẩn bị nguyên liệu đến khâu quấn hương để tạo thành sản phẩm hoàn thiện”.

Thôn Quyết Thắng hiện có 530 hộ dân thì gần 400 hộ có nghề làm hương; điểm đặc trưng của làng nghề là tất cả các hộ gia đình đều làm bằng thủ công, nguyên liệu không chứa hóa chất. Theo bà Đỗ Thị Tuyết, hương làm thủ công mặc dù năng suất không cao nhưng sản phẩm luôn chất lượng, được nhiều người ưa chuộng. Sản phẩm của gia đình làm ra đến đâu đều được thương lái thu mua đến đó.  

Thúc đẩy du lịch làng nghề

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 29 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận; trong đó có 19 làng nghề và 10 làng nghề truyền thống. Mỗi làng nghề ở Quảng Bình đều mang một nét riêng với những sản phẩm độc đáo, tinh xảo, mang đậm bản sắc văn hóa. Các sản phẩm của làng nghề đa dạng, nhiều chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt; một số có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Đặc biệt, với những lợi thế văn hóa, lịch sử và sản phẩm, các làng nghề rất thuận tiện để xây dựng các chương trình du lịch trải nghiệm.  

Tranh thủ nắng ngày đông, người dân làng nghề se hương để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.
Tranh thủ nắng ngày đông, người dân làng nghề se hương để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.

Theo Chủ tịch UBND xã Quảng Thanh Ngô Thanh Bình, bên cạnh những hộ dân đầu tư thiết bị máy móc thì địa phương vẫn còn nhiều hộ dân làm nghề bằng thủ công. Du khách tới làng nghề không chỉ được tham quan mà còn có thể trải nghiệm khi tự tay làm ra sản phẩm của làng nghề. Việc xây dựng mô hình gắn phát triển làng nghề với tuyến du lịch ở Quảng Thanh rất khả thi. Và địa phương cũng đang từng bước đầu tư mở rộng đường giao thông nông thôn, bờ kè dọc sông Gianh, quy hoạch đất phơi cho làng nghề cũng như mở các vị trí kinh doanh dịch vụ thương mại để phục vụ khách trong thời gian tới.

Giữa dòng chảy của thời gian, cách thưởng thức Tết có thể thay đổi đi nhiều, nhưng những làng nghề, làng nghề truyền thống luôn gìn giữ nét đẹp văn hóa cổ truyền, góp phần tô điểm thêm sự dung dị, chân chất, gần gũi của ông cha ta, hòa mình vào nhịp sống hiện đại ngày nay.

Không chỉ riêng làng nghề Tân An mà hầu như các địa phương có làng nghề đều kỳ vọng đưa làng nghề, các sản phẩm của làng nghề gắn với tour, tuyến du lịch để vừa góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của làng nghề, vừa mang lại lợi ích kinh tế-xã hội, làm phong phú, đa dạng thêm các sản phẩm du lịch trên địa bàn. Theo Kế hoạch số 2160/KH-UBND, ngày 15/11/2022 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề tỉnh, mục tiêu đến năm 2030, Quảng Bình phấn đấu có ít nhất 1 làng nghề gắn với du lịch. Đây là cơ hội để các làng nghề trên địa bàn tỉnh phát huy tiềm năng, lợi thế.

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hoàng Tiến Cường cho hay: Cùng với việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các làng nghề truyền thống, tỉnh đã ban hành kế hoạch phát triển làng nghề, trong đó tập trung phát triển các làng nghề theo hướng sản xuất hàng hóa thông qua việc hỗ trợ người dân tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, doanh nhân vào đầu tư phát triển sản xuất. Để giúp các làng nghề ngày càng phát triển, các sở, ngành, địa phương cũng sẽ tăng cường quảng bá sản phẩm làng nghề thông qua các hội nghị kết nối cung cầu, hội chợ triển lãm để mở rộng thị trường tiêu thụ; đẩy mạnh phát triển các mô hình làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch làng nghề; triển khai các chính sách đối với nghệ nhân, thợ giỏi nghề thủ công mỹ nghệ…

Thanh Hoa



Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202502/nong-nan-huong-vi-tet-2224103/

Kommentar (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

Happy VietNam

Tác phẩm Ngày hè

No videos available