Tháng 9.2024, triển lãm cá nhân của nhiếp ảnh gia Trần Tuấn Việt mang tên “Destination Vietnam” diễn ra tại Los Angeles (Mỹ), giới thiệu 93 tác phẩm phản ánh vẻ đẹp văn hóa, du lịch và tiềm năng bối cảnh điện ảnh của Việt Nam.
Sự kiện nằm trong khuôn khổ Chương trình Xúc tiến Du lịch - Điện ảnh Việt Nam tại thành phố San Francisco và thành phố Los Angeles, bang California, Mỹ với chủ đề “Việt Nam - Điểm đến mới của Điện ảnh thế giới” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì.
Hành trình đến với Hollywood
Xin chào nhiếp ảnh gia Trần Tuấn Việt. Hành trình đưa những tác phẩm nhiếp ảnh của anh đến Hollywood đã bắt đầu ra sao?
- Khoảng tháng 2.2024, tôi nhận được lời mời tham dự cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại sự kiện xúc tiến du lịch ở Mỹ. Trong đó, triển lãm ảnh là một hoạt động trong chuỗi sự kiện nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước, con người và điểm đến nổi bật của Việt Nam tới bạn bè quốc tế tại Hollywood.
Kế hoạch được ấp ủ từ tháng 3, trải qua nhiều cuộc họp, thảo luận về chủ trương, ý tưởng, mãi đến tháng 7 mới chính thức triển khai. Tôi có khoảng 2 tháng để chuẩn bị tất cả, từ lựa chọn hình ảnh, in ấn, sắp xếp vị trí trưng bày… Bởi đây là một triển lãm tầm cỡ quốc gia, nên mọi thứ phải được rà soát thật kỹ, chỉn chu nhất có thể.
Cuối cùng, từ 150 bức ảnh về văn hóa, phong cảnh, danh thắng, những di sản UNESCO, chân dung con người… của Việt Nam đã chọn 93 tác phẩm phù hợp nhất. Quá trình tuyển chọn qua nhiều vòng, từ đối tác tại Hollywood kết hợp cùng khâu thẩm định chuyên môn từ các Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cùng Cục Du lịch Quốc gia.
Nội dung triển lãm và ý tưởng trưng bày trong sự kiện lần này là gì, thưa anh?
- Trước đây, những cuộc triển lãm mà chúng ta đưa đi nước ngoài đều mang tư duy chủ quan, tức là mình thích gì thì cho họ xem cái đó. Với bộ ảnh này, tôi muốn đưa ra những gì mà khán giả nước ngoài muốn xem, muốn khám phá nhất ở Việt Nam. Ý tưởng này của tôi đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng thông qua và ủng hộ nhiệt tình.
93 bức ảnh được lựa chọn từ bộ sưu tập hình ảnh Việt Nam tôi chụp trong gần 18 năm qua, chủ yếu gồm ảnh phong cảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam. Trong đó, có rất nhiều danh thắng, những địa điểm du lịch nổi tiếng từ Tam Cốc - Bích Động, Tràng An, Bái Đính ở Ninh Bình, vịnh Hạ Long ở Quảng Ninh, hang Sơn Đoòng ở Quảng Bình… đến Huế, Hội An...
Ngoài ra, tôi cũng giới thiệu những địa danh mới mà khách phương Tây chưa biết đến nhiều như Đà Lạt, Tây Ninh, đặc biệt là Hà Giang hay khu vực Tây Bắc. Thắng cảnh ở đây không chỉ tuyệt đẹp để làm du lịch mà còn rất tiềm năng để trở thành phim trường cho những bom tấn Hollywood.
Để chụp một số bức ảnh về địa điểm chưa từng đến như đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), tôi phải thu xếp đến tận nơi. Mỗi bức ảnh đều kể một câu chuyện riêng, là đứa con tinh thần mà tôi tâm đắc và dành nhiều tâm huyết để thực hiện.
Về phương án trưng bày, tôi đề xuất 2 giải pháp là treo bộ ảnh theo vùng miền hoặc theo chủ đề. Cuối cùng, tôi lựa chọn theo vùng miền từ Bắc vào Nam để khách tham quan có thể hình dung được bức ảnh chụp ở đâu và bối cảnh thuộc khu vực nào.
Phản ứng của quan khách quốc tế ra sao khi thưởng thức các tác phẩm mà anh mang đến trong triển lãm?
- Họ rất bất ngờ và thích thú, có những người đã nán lại rất lâu. Tại sự kiện, bên cạnh những giới thiệu về bộ ảnh và tác giả, chúng tôi có ghi chú rằng tất cả các tác phẩm sẽ được tặng miễn phí cho mọi người sau triển lãm, ai muốn nhận ảnh chỉ cần đăng ký lại với ban tổ chức.
Đến cuối buổi triển lãm, khung cảnh trở nên hỗn loạn khi rất nhiều người muốn sở hữu các bức ảnh, thậm chí yêu cầu nhiều hơn 1 bức. 93 bức ảnh được tặng hết chỉ trong chốc lát, có người còn tiếc nuối vì không thể sở hữu đúng bức hình họ yêu thích nhất. Nhìn ở mặt tích cực, tôi thấy vui và tự hào vì những tác phẩm của mình được độc giả đón nhận nhiệt tình.
Các tác phẩm của nhiếp ảnh gia Trần Tuấn Việt đã rất là nổi tiếng, được bán với giá cao, xuất hiện trên các tạp chí danh tiếng và đoạt giải quốc tế. Vậy, buổi triển lãm này có ý nghĩa khác biệt như thế nào đối với sự nghiệp của anh?
- Trước đây, tôi từng có triển lãm cá nhân do Chính phủ của Tiểu vương quốc Sharjah thuộc UAE tổ chức. Nhưng thời gian đó, vì đại dịch COVID-19 nên tôi không thể trực tiếp tham dự.
Tôi cũng từng tham gia triển lãm trực tuyến của Google Art & Culture, nhưng đây là triển lãm cá nhân có mặt trực tiếp đầu tiên của tôi.
Tôi nghĩ, bất kỳ nhiếp ảnh gia nào cũng muốn tác phẩm của mình được in ra, treo trang trọng ở đâu đó cho mọi người ngắm nhìn. Tôi cũng vậy. Đặc biệt, triển lãm lần này lại được đại diện cho quốc gia và phù hợp với lý tưởng ban đầu của tôi khi đến với nhiếp ảnh. Tôi chụp ảnh không phải vì danh tiếng hay kiếm tiền, mà chỉ muốn cống hiến một phần nhỏ bé vào việc quảng bá vẻ đẹp của quê hương, đất nước.
Tôi nghĩ đây là một dấu mốc lớn trong sự nghiệp nhiếp ảnh của mình. Triển lãm này rất khác biệt, tôi được đến một quốc gia hùng mạnh như Mỹ, đến với Kinh đô điện ảnh của thế giới Hollywood để giới thiệu về vẻ đẹp của đất nước mình. Đó là một vinh dự rất lớn trong cuộc đời tôi.
Với các tác phẩm đem đến triển lãm “Destination Vietnam”, anh muốn đem đến cái nhìn như thế nào về hình ảnh Việt Nam tới du khách quốc tế?
- Trước kia, nhiều người chỉ ấn tượng về Việt Nam với hai cuộc Kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Tôi muốn cho thế giới biết rằng Việt Nam hiện tại rất thanh bình, đẹp đẽ, với bản sắc văn hóa tuyệt vời, với danh thắng được UNESCO công nhận, và có cả những nơi chưa được nhiều người biết đến.
Không chỉ tại triển lãm mà trong suốt quá trình hoạt động nhiếp ảnh của mình, tôi luôn muốn khán giả, bạn bè quốc tế hiểu biết thêm quê hương Việt Nam, về truyền thống văn hóa, con người của dải đất xinh đẹp hình chữ S.
Việt Nam – điểm đến mới của điện ảnh thế giới
Qua cái nhìn, phản ứng của khán giả về các tác phẩm chụp danh lam, thắng cảnh của đất nước, con người Việt Nam, anh nghĩ sao về tiềm năng phát triển du lịch nói chung và du lịch điện ảnh nước ta nói riêng với khách quốc tế, đặc biệt là ở Hollywood?
- Phim ảnh Hollywood đã giúp cho nhiều địa danh ở khắp thế giới được quan tâm, đem về nguồn lợi khổng lồ cho ngành du lịch. Tôi nghĩ Việt Nam có đầy đủ tiềm năng và lợi thế để làm điều đó.
Sau chương trình Xúc tiến Du lịch - Điện ảnh Việt Nam vừa qua do Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong chủ trì cùng các doanh nghiệp đồng hành như Oxalis Adventure, Vietnam Airlines, VinFast… đã ghi nhận có nhiều đoàn famtrip, những nhà nghiên cứu về địa danh, phim trường sẽ đến Việt Nam để khảo sát. Có rất nhiều đối tác tại Hollywood muốn đến Việt Nam để tìm kiếm bối cảnh cho các bộ phim.
Hy vọng trong tương lai, Việt Nam sẽ xuất hiện trên màn ảnh của Hollywood nhiều hơn nữa. Tôi nghĩ chỉ cần với một vài bộ phim bom tấn Hollywood thôi, những địa danh, thắng cảnh của Việt Nam sẽ trở nên rất nổi tiếng, đón thêm nhiều khách tham quan, du lịch trong và ngoài nước.
Trước đây, một số điểm đến của Việt Nam đã từng xuất hiện trên phim ảnh, MV nước ngoài như làng thổ dân (Ninh Bình) trong “Kong: Skull Island” hay vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Hang Én (Quảng Bình) trong “Pan và Vùng đất Neverland” ... nhưng vẫn chưa thể quảng bá và hút khách như mong đợi. Anh nghĩ nguyên nhân do đâu?
- Trước đây, Việt Nam chưa làm việc nhiều với các đối tác Hollywood trong lĩnh vực điện ảnh nên khá thiếu kinh nghiệm. Ví dụ, đoàn làm phim “Kong” quay bối cảnh ở Ninh Bình năm xưa nhưng không có thỏa thuận về việc hợp tác hỗ trợ quảng bá, phát triển du lịch điểm đến ở Ninh Bình. Thậm chí, sau khi kết thúc họ đã mang toàn bộ đạo cụ, bối cảnh dàn dựng về nước vì yếu tố bản quyền. Do đó, ta khó lòng tiếp tục khai thác du lịch từ khía cạnh này.
Mặt khác, ở một số vùng lõi di sản như Phong Nha - Kẻ Bàng, các đoàn phim được yêu cầu phải hoàn trả mọi thứ về nguyên trạng trước khi rời đi. Ta cũng không thể tận dụng bối cảnh, phim trường mà họ tạo ra để khai thác.
Tuy nhiên, những tác phẩm điện ảnh, MV, phim tài liệu trước kia cũng góp phần khiến khán giả quốc tế biết đến Việt Nam nhiều hơn. Tiêu biểu như hang Sơn Đoòng, sau khi xuất hiện ở chương trình “Good Morning America” của kênh ABC (Mỹ), lượng tour bán cho khách du lịch tăng lên đáng kể, phải đặt chỗ trước hơn một năm. Đó là những thành quả trực quan nhất mà ta thấy được.
Hiện tại, tôi tin rằng các cơ quan, đơn vị chức năng ở Việt Nam đã đủ kinh nghiệm, sẵn sàng để tiếp đón các đoàn phim nước ngoài đến ghi hình, đồng thời ký kết hợp tác, đem lại lợi ích cho việc xúc tiến du lịch điện ảnh nước nhà trong tương lai.
Với những bối cảnh, phim trường đang khai thác, cần có hướng dẫn, nghiên cứu để vừa kết hợp hài hòa, không tác động đến thiên nhiên, vừa bảo quản được phim trường nguyên trạng cho du khách tham quan. Bên cạnh đó, phải có điều khoản, cam kết với các đoàn làm phim nước ngoài để họ hỗ trợ ta trong quảng bá du lịch và điểm đến.
Trong khi Việt Nam đang tìm cách thu hút các đoàn phim nước ngoài thì các nhà làm phim, nhiếp ảnh nội địa đang ở đâu, thưa anh?
- Tôi nghĩ điện ảnh Việt Nam năm qua phát triển khá tốt. Có những địa danh xuất hiện trên phim ảnh năm 2024 được khai thác tốt, tiêu biểu như phong cảnh miền Tây trong “Lật mặt” của đạo diễn Lý Hải, hay “Hai Muối” của đạo diễn Vũ Thành Vinh… Hay trước kia, bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” đã góp phần thúc đẩy du lịch Phú Yên phát triển.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần những phim bom tấn nước ngoài để thu hút khách quốc tế, đặc trưng nhất là nền điện ảnh Hollywood.
Theo anh, Việt Nam cần khắc phục khó khăn gì để thúc đẩy việc quảng bá, xúc tiến du lịch điện ảnh?
- Vấn đề lớn nhất nằm ở quy trình thủ tục, giấy tờ cấp phép để một đoàn phim có thể đến Việt Nam ghi hình. Trước đây, các đoàn phim phải mất nhiều tháng cùng rất nhiều công đoạn để hoàn thiện những thủ tục này.
Những năm gần đây, cơ chế chính sách ngày càng đổi mới. Trong Chương trình Xúc tiến Du lịch - Điện ảnh vừa rồi, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng có cam kết tinh gọn hơn các thủ tục cấp phép cho đối tác nước ngoài sang Việt Nam, đặc biệt là Hollywood.
Chính phủ Việt Nam cũng có thêm nhiều chính sách hỗ trợ như giảm thuế, tăng ưu đãi cho các nhà làm phim, đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác hành chính; các doanh nghiệp Việt Nam đã cam kết hợp tác, hỗ trợ chuyến bay, địa điểm lưu trú; các địa phương như Hạ Long, Ninh Bình, Quảng Bình cũng cam kết hỗ trợ nếu các đoàn làm phim đến với họ…
Dần dần, đó sẽ là những cánh cửa rất cởi mở để đón các đoàn làm phim trên thế giới đến Việt Nam, góp phần thúc đẩy du lịch điện ảnh Việt Nam ngày càng phát triển.
Nhiếp ảnh gia Trần Tuấn Việt sinh năm 1983 tại TP Vinh, Nghệ An. Anh nổi tiếng với những bức ảnh về Việt Nam được đăng tải trên tạp chí, sách ảnh, niêm giám của National Geographic. Trong gần 18 năm theo đuổi sự nghiệp nhiếp ảnh, anh từng gặt hái thành công với nhiều giải thưởng lớn như: Huy chương Vàng Cuộc thi nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ 9 tại Việt Nam, 3 giải nhất từ giải thưởng nhiếp ảnh Agora, Giải quốc gia Cuộc thi Nhiếp ảnh Thế giới Sony 2024, Giải nhất Giải thưởng “Hình ảnh của năm 2023” của Wikimedia…
Trần Tuấn Việt cũng là nhiếp ảnh gia thực hiện dự án “Kỳ quan Việt Nam” do Google phối hợp với Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam triển khai trên Google Arts & Culture, hệ thống thư viện số lớn nhất thế giới.
Kommentar (0)