Sáng nay 21/11 tại Hà Nội, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã có buổi làm việc với tập đoàn đường sắt quốc gia Trung Quốc (CR). Cuộc họp nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Đường sắt quốc gia 2 nước nhằm thúc đẩy việc triển khai dự án đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng.
Tham dự cuộc họp, Đoàn Trung Quốc có ông Cúc Quốc Giang, Phó Tổng Công trình sư kiêm Chủ nhiệm Bộ phận Hợp tác quốc tế Tập đoàn Đường sắt quốc gia Trung Quốc, cùng lãnh đạo và kỹ sư của Tập đoàn thiết kế đường sắt Trung Quốc và công ty cổ phần toa xe khách Trường Xuân. Phía Tổng công ty ĐSVN có Tổng Giám đốc Hoàng Gia Khánh, cùng các thành viên Ban Giám đốc và đại diện ban chuyên môn.
Mở đầu cuộc họp, Tổng Giám đốc VNR Hoàng Gia Khánh cho biết quan điểm về tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác trong ngành đường sắt giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được Tổng Bí thư Việt Nam Tô Lâm nhiều lần nêu rõ trong các cuộc gặp với lãnh đạo Trung Quốc. Ông Khánh cũng đề nghị đoàn bạn chia sẻ kinh nghiệm về phát triển, vận hành, bảo trì, đào tạo nguồn nhân lực cho đường sắt tốc độ cao. Đường sắt tốc độ cao Bắc Nam được xem là một dự án mang tính lịch sử, đang được Quốc hội Việt Nam thảo luận và được nhân dân hết sức quan tâm.
Ông Cúc Quốc Giang bày tỏ Đường sắt Trung Quốc luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác với Việt Nam. Ông Cúc chia sẻ thêm, hiện tại mô hình của ngành đường sắt Trung Quốc khác với Việt Nam. Tại Trung Quốc, Rập đoàn Đường sắt quốc gia Trung Quốc quản lý mọi mặt để phát triển đường sắt từ quy hoạch, kêu gọi vốn, đầu tư, thi công xây dựng, khai thác, vận hành…Vì vậy mọi tri thức, bản quyền sở hữu trí tuệ trong chu trình khép kín này đều thuộc về Tập đoàn Đường sắt quốc gia Trung Quốc. Mô hình tổ chức này, theo ông Cúc, cũng là mô hình của các quốc gia có ngành đường sắt phát triển như Đức, Pháp, …và tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác vận hành tối ưu sau đó.
Chia sẻ kinh nghiệm trong công tác vận hành, bảo trì đường sắt tốc độ cao, Lãnh đạo CR cho biết, đường sắt tốc độ cao có kỹ thuật và công nghệ hết sức phức tạp, vì vậy trong quá trình thiết kế và xây dựng, yếu tố an toàn phải được đặt lên cao nhất. Mọi công tác chuẩn bị và triển khai phải được làm có hệ thống, lường trước được các yếu tố rủi ro và thảm họa.
Như đường sắt Trung Quốc đã có quá trình chuẩn bị từ những năm 80 của thế kỷ trước, trước khi có tuyến đường sắt tốc độ cao đầu tiên nối liền Thẩm Dương và Tần Hoàng Đảo vào năm 2002. Ông Cúc cũng nhấn mạnh với kinh nghiệm của Trung Quốc, thì khi làm đường sắt tốc độ cao, vận hành phải là mục đích chính. Thiết kế, xây dựng là để phục vụ cho vận hành. Vì vậy, bên vận hành phải là bên đưa ra các đầu bài cho thiết kế thi công, đồng thời phải là bên nghiệm thu chính, và tham gia vào mọi quá trình ngay từ đầu.
Ngoài ra, ông Cúc cho biết thêm việc vận hành bào trì đường sắt cao tốc khác hẳn đường sắt thông thường. Với đường sắt phổ thông thì công tác bảo trì vận hành, sử dụng nhân công là chính. Nhưng với đường sắt cao tốc, do yêu cầu về tính chính xác cực lớn, nên 100% phải sử dụng máy móc thiết bị. Do đó, công tác đào tạo nguồn nhân lực phải được đầu tư và chuẩn bị từ sớm.
Tại Trung Quốc, việc đào tạo nhân lực ngành đường sắt được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 kéo dài 2 năm, học viên được đào tạo lý thuyết tại các viện, trường, kết hợp với thực hành tại trường đường sắt ở Vũ Hán. Giai đoạn 2, học viên sẽ được đào tạo trực tiếp tại dự án. Ông đề nghị phía Việt Nam có thể cử cán bộ, học viên sang Trung Quốc tham gia đào tạo, vì như vậy sẽ “hiệu quả hơn”.
Về đề xuất khôi phục tuyến tàu liên vận Việt Nam Trung Quốc, đã tạm dừng từ dịch Covid 19, ông Cúc nhấn mạnh việc khôi phục cần xem xét đến hiệu quả kinh tế, đồng thời bày tỏ mong muốn tốt nhất là có thể khôi phục vào cuối năm nay.
Trung Quốc hiện là một trong những quốc gia có mạng lưới đường sắt phát triển nhất thế giới. Mạng lưới đường sắt cao tốc của Trung Quốc hiện đạt hơn 46.000km, chiếm hơn 70% tổng số chiều dài đường sắt cao tốc của thế giới. Trung Quốc đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ đạt 50.000 km đường sắt cao tốc và 2035 sẽ đạt 200.000 km đường sắt cao tốc.
Nguồn: https://vr.com.vn/tin-tuc–su-kien/tap-doan-ds-quoc-gia-trung-quoc-mong-muon-hop-tac-voi-viet-nam-phat-trien-nganh-duong-sat.html